Bảy ngày nghỉ Tết: Tai nạn giao thông tăng nhưng số người chết giảm sâu

Trong bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tình hình trật tự an toàn giao thông cơ bản được đảm bảo, số người tử vong giảm sâu, đặc biệt, số vụ tai nạn do vi phạm nồng độ cồn tiếp tục giảm mạnh.

Lực lượng chức năng phân luồng, điều tiết giao thông tại cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ hướng vào trung tâm Hà Nội. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Lực lượng chức năng phân luồng, điều tiết giao thông tại cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ hướng vào trung tâm Hà Nội. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết số vụ tai nạn giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 có tăng nhưng số người chết giảm sâu so với cùng kỳ nghỉ Tết năm ngoái.

Tai nạn liên quan đến nồng độ cồn giảm sâu

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, tai nạn giao thông 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn (từ ngày 8-14/2), toàn quốc xảy ra 541 vụ tai nạn giao thông, làm chết 214 người và 504 người bị thương. (tăng 83 vụ, giảm 69 người chết, tăng 177 người bị thương so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023).

Cụ thể, đường bộ xảy ra 538 vụ tai nạn giao thông, làm 212 người chết, 502 người bị thương (tăng 83 vụ, giảm 69 người chết và tăng 176 người bị thương so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023). Đường sắt xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông, làm 2 người chết, một người bị thương (giảm một vụ, giảm một người chết và tăng một người bị thương so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023). Đường thủy xảy ra một vụ, làm một người chết (tăng một vụ và một người chết so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023).

Trong ngày 14/2 (tức ngày mùng 5 Tết) toàn quốc xảy ra 75 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người và 69 người bị thương, so với ngày trước đó tai nạn giao thông giảm 20 vụ, giảm 7 người chết, 18 người bị thương. Đường sắt và đường thuỷ không xảy ra tai nạn.

“Tình hình trật tự an toàn giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán cơ bản được đảm bảo, số vụ tai nạn giao thông có tăng nhưng số người chết do tai nạn giao thông đều giảm so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 (giảm 69 người chết so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023),” ông Hùng đánh giá.

Đặc biệt, theo số liệu của Bộ Y tế, số ca cấp cứu nghi liên quan đến tai nạn giao thông giảm 12,1%, số ca nghi tai nạn giao thông nằm viện theo dõi giảm 8,4%, số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 22,4%. Không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn tiếp tục giảm sâu so với các năm trước.

Mặc dù, tình hình trật tự an toàn giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cơ bản được đảm bảo, tuy nhiên, ông Hùng cho rằng số vụ tai nạn giao thông và số người bị thương do tai nạn giao thông vẫn tăng so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023. Tình hình ùn, tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp trên các trục chính, các đầu mối giao thông quan trọng của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như tại một số trạm thu phí trên các tuyến giao thông.

vnp_un tac giao thong.jpg
Tình hình ùn, tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp trên các trục chính, các đầu mối giao thông quan trọng của Hà Nội. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Về vận tải, báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy sản lượng vận chuyển đường sắt từ ngày 8/2 (tức ngày 29 Tết) đến ngày 14/2 (tức ngày mùng 5 Tết) năm Giáp Thìn, ngành đường sắt đã xuất ga 104 tàu khách thống nhất (giữ nguyên so với cùng kỳ năm 2023); 219 tàu khách địa phương (tăng 2.82% so với cùng kỳ năm 2023) phục vụ 204.798 lượt khách đi tàu (tăng 8.65% so với cùng kỳ năm 2023); an ninh trật tự phòng chống cháy nổ trên địa bàn đường sắt đảm bảo an toàn, không có sự việc gì mất an toàn, an ninh trật tự xảy ra trong lĩnh vực vận tải đường sắt.

Tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 12.199 lượt cất hạ cánh, giảm 4,1% so với cùng kỳ 2023 và 1.890.252 hành khách, tăng 0,7% so với cùng kỳ 2023, sản lượng hàng hóa đạt hơn 8,33 triệu tấn hàng hóa, tăng 4% so với cùng kỳ 2023.

“Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại. Công tác quản lý giá cước vận tải, công khai niêm yết giá cước, chuẩn bị phương tiện tăng cường, ký cam kết bảo đảm an toàn giao thông. Tình trạng ùn, tắc giao thông được các lực lượng chức năng xử lý kịp thời, giảm tối đa các vụ ùn, tắc giao thông kéo dài trên các tuyến giao thông,” ông Hùng nhìn nhận.

Tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm bảo đảm an toàn giao thông

Về xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Cảnh sát Giao thông và công an các địa phương đã phát hiện và xử lý 71.409 trường hợp vi phạm, phạt tiền 182,4 tỷ đồng, tạm giữ 1.864 ôtô, 34.082 xe môtô và 140 phương tiện khác tước 18.899 Giấy phép lái xe các loại.

Trong đó, Cảnh sát Giao thông phát hiện, xử lý 29.099 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng 21.373 trường hợp so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023), 114 trường hợp dương tính ma tuý, 16.756 trường hợp vi phạm tốc độ.

vnp_canh sat giao thong 15122021.jpg
Lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ tăng cường xử lý vi phạm nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự báo sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân của người dân tăng cao, ùn tắc giao thông sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động giao thông, vận tải trong các ngày sau Tết nguyên đán và mùa Lễ hội xuân 2024, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục triển khai phương án tăng cường năng lực vận tải, siết chặt kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện và người lái, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định, ôtô chở quá số người quy định; tăng cường công tác tổ chức giao thông khoa học, thuận lợi.

Các bộ, ngành chú trọng việc cung ứng các dịch vụ vận tải hành khách công cộng đường bộ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm các chuyến đi bằng phương tiện cơ giới cá nhân trên cự ly dài trên các quốc lộ cao tốc, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải khi học sinh đi học trở lại và mùa Lễ hội Xuân bắt đầu tại nhiều địa phương; đặc biệt là tăng cường năng lực vận tải hàng không, tổ chức giao thông hợp lý để kéo giảm tình trạng ùn tắc chậm hủy chuyến tại các cảng hàng không, tổ chức ứng trực để kịp thời phát hiện và xử lý các sự vụ ùn tắc tại khu vực các cảng hàng không.

Lực lượng chức năng tiếp tục duy trì tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là hành vi vi phạm có tính phổ biến trong dịp Lễ hội…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục