"Bẫy lừa đảo con bị cấp cứu" đang lan rộng ra nhiều tỉnh thành

Tiếp sau TP. HCM và Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên đã ghi nhận tình trạng đối tượng xấu giả danh giáo viên nhà trường gọi điện cho phụ huynh thông báo con bị tai nạn để lừa chiếm đoạt tiền...
"Bẫy lừa đảo con bị cấp cứu" đang lan rộng ra nhiều tỉnh thành ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

"Bẫy lừa đảo con bị cấp cứu" đang lan rộng ra thêm nhiều tỉnh thành, điển hình mới nhất Đà Nẵng và Thái Nguyên đã ghi nhận một số vụ việc.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ ngày 14/3, nhiều phụ huynh phản ánh nhận được những cuộc điện thoại lạ xưng là giáo viên bộ môn gọi điện cho phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn trong tình trạng chấn thương và đang cấp cứu tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Các đối tượng này yêu cầu phụ huynh phải chuyển gấp số tiền từ 30-50 triệu đồng để học sinh được cứu chữa kịp thời.

Điều này khiến nhiều phụ huynh hoang mang, ảnh hưởng đến tinh thần và công việc.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng Trần Nguyễn Minh Thành, ngay sau khi chiêu thức lừa đảo trên xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã kịp thời yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học khẩn trương vận dụng các kênh thông tin (SMS, nhóm zalo…) tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh. Vì vậy, khi nhiều phụ huynh nhận cuộc gọi của đối tượng xấu đã đề cao cảnh giác, không để bị lừa đảo và kịp thời thông báo đến nhà trường và cơ quan chức năng.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng Trần Nguyễn Minh Thành cho biết Sở tiếp tục yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học thông báo cho phụ huynh bình tĩnh, đề cao cảnh giác trong trường hợp nhận được cuộc gọi thông báo về các vấn đề sức khỏe, tình hình học tập… của con em; liên hệ ngay cho giáo viên chủ nhiệm hoặc các số điện thoại công khai trên website của nhà trường để xác định tình hình.

Tại Thái Nguyên, sáng 16/3, hàng chục phụ huynh có con đang học tại một số trường trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên như: Nha Trang, Độc Lập, Quang Trung, Chùa Hang, Hoàng Văn Thụ… đã nhận được cuộc gọi từ nhiều số máy lạ báo con mình đang cấp cứu tại các bệnh viện và yêu cầu chuyển tiền viện phí.

Trong số đó, có trường có tới gần 40 phụ huynh nhận được điện thoại như Trường Trung học cơ sở Quang Trung. Hầu hết phụ huynh đều có con đang học khối lớp 6 của trường.

Những chiêu trò này đã được các cơ quan báo chí thông tin trước đó và tỉnh Thái Nguyên cũng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, cảnh báo rộng rãi trên các ứng dụng trực tuyến của tỉnh nên hầu hết các phụ huynh đều nâng cao cảnh giác, báo cáo cho giáo viên chủ nhiệm cũng như Ban giám hiệu nhà trường để xác minh thông tin.

Trước đó, khi vụ việc tương tự xảy ra tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các trường học đẩy mạnh tuyên truyền, nhắn tin thông báo đến từng phụ huynh, học sinh nhằm nêu cao cảnh giác, tránh để các đối tượng lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

[Infographics] Khuyến cáo về cuộc gọi lừa đảo 'con đang cấp cứu'

Qua xác minh sơ bộ, đến thời điểm này, chưa phát hiện trường hợp học sinh nào là con của phụ huynh đã nhận được cuộc gọi phải vào bệnh viện cấp cứu.

Điều khiến cho các phụ huynh lo lắng là nguồn thông tin gồm số điện thoại, họ tên học sinh, trường, lớp… đều được các đối tượng nắm chính xác.

Vụ việc đã được phía nhà trường cũng như phụ huynh học sinh và một số bệnh viện báo cáo đến lực lượng chức năng để điều tra làm rõ.

Trước đó, ngày 15/3, Công an thành phố Hà Nội cho biết tại Hà Nội cũng xuất hiện tình trạng mạo danh nhà trường hoặc bệnh viện thông báo học sinh bị tai nạn, đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp để cứu con.

Điển hình như vụ việc mà anh L.X.H (43 tuổi, ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) gặp phải. Vào khoảng hơn 15 giờ ngày 13/3, khi đang làm việc, anh nhận được một cuộc điện thoại từ số thuê bao 0774105315, đầu dây bên kia nói: "Em là cô giáo của L.T.M., con bị tai nạn ở trường, đang vào Bệnh viện 354, gia đình vào luôn nhé."

Vì con gái của anh L.X.H đúng là tên L.T.M. (hiện đang là sinh viên năm thứ 2 tại một trường Đại học ở Hà Nội), anh rất hoảng hốt. Anh gọi điện ngay cho vợ để báo tin, đồng thời xin nghỉ làm sớm để vào bệnh viện.

Mấy phút sau, anh L.X.H. tiếp tục nhận được cuộc điện thoại thứ 2. Khi anh L.X.H. hỏi về tình hình của con, người tự xưng là cô giáo chỉ lấp lửng: "L.T.M ngã cũng nặng anh ạ. Anh cứ vào viện đi," sau đó còn đưa máy cho anh nói chuyện với bác sỹ.

Người xưng là bác sỹ nói: "Cháu ngã từ tầng 3 xuống, chảy máu tai nhiều, có thể chảy máu não, khả năng cao bị chấn thương sọ não." Anh L.X.H. kể, lúc đó còn nghe thấy cả tiếng còi cấp cứu nên mất bình tĩnh, không còn nghĩ được gì nhiều và nhanh chóng đi tới bệnh viện.

Đang đi trên đường, anh L.X.H. nhận được cuộc gọi thứ 3. "Cô giáo" nói là vì đi gấp nên không mang theo tiền, trong khi bệnh viện yêu cầu nộp tiền trước mới làm thủ tục nhập viện và phẫu thuật cho bệnh nhân được, đề nghị anh chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản của nhân viên bệnh viện.

Anh L.X.H. dừng xe ở đường rồi chuyển khoản 40 triệu đồng vào số tài khoản mà bên kia gửi. Chuyển tiền xong, anh L.X.H. gọi về cho bố, bảo ông cầm thêm tiền vào bệnh viện, nếu có vấn đề gì còn xử lý luôn. Bố anh L.X.H. nói: "L.T.M đang ở nhà mà." Lúc này, anh L.X.H. mới biết là mình đã bị lừa.

"Bẫy lừa đảo con bị cấp cứu" đang lan rộng ra nhiều tỉnh thành ảnh 2(Ảnh do công an cung cấp)

Trước tình trạng "bẫy lừa con bị cấp cứu" đang gia tăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng các kênh truyền thông, thông tin tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh nâng cao cảnh giác để phòng, tránh bị đối tượng xấu lừa đảo.

Ngoài ra, các Sở cũng yêu cầu các trường học tăng cường giám sát, quản lý đối với người ra, vào nhà trường, nhất là thời điểm đầu giờ và giờ tan học; không để người ngoài nhà trường tự ý ra, vào khuôn viên trường học để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong trường học…

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên giữ mối liên hệ với phụ huynh để kịp thời tiếp nhận, phối hợp xử lý; tránh trường hợp phụ huynh không liên hệ được nhà trường, giáo viên dễ hoảng loạn và chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ.

Đồng thời, cảnh báo phụ huynh không thực hiện bất cứ yêu cầu nào từ cuộc gọi chưa xác định được người gọi; thông báo kịp thời số điện thoại gọi lừa đảo cho giáo viên chủ nhiệm, công an, các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục