Bầu tổng thống Pháp: 7 ứng cử viên cánh hữu tranh luận lần cuối

Tối 17/11, ở Pháp diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp lần cuối trên truyền hình giữa 7 ứng cử viên đại diện cho cánh hữu và trung hữu ra tranh cử tổng thống tại cuộc bầu cử diễn ra năm 2017.
Bầu tổng thống Pháp: 7 ứng cử viên cánh hữu tranh luận lần cuối ảnh 1Các ứng cử viên cánh hữu tại cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình ngày 13/10 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tối 17/11, tại Pháp đã diễn ra cuộc tranh luận lần ba đồng thời là cuộc tranh luận trực tiếp lần cuối trên truyền hình giữa 7 ứng cử viên trong cuộc đua nhằm tìm ra ứng cử viên sáng giá đại diện cho cánh hữu và trung hữu ra tranh cử tổng thống tại cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2017.

Cuộc tranh luận diễn ra khá căng thẳng và gay cấn bởi vì đây là cơ hội cuối cùng cho các ứng cử viên nhằm thuyết phục những người còn do dự trước khi diễn ra hai vòng bầu cử sơ bộ vào các ngày 20 và 27/11 tới.

Các chủ đề chính được đề cập trong phần đầu của cuộc tranh luận là một số vấn đề quốc tế như tác động đối với Pháp và châu Âu khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, các cải cách cần phải tiến hành đối với Liên minh châu Âu (EU), vai trò của Pháp trong liên minh quốc tế chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Trong phần tiếp theo, các ứng cử viên đã trình bày quan điểm của mình về giáo dục trung học và đại học, trợ cấp xã hội, trợ cấp thất nghiệp, quy hoạch lãnh thổ, kinh tế số…

Về chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump, Thị trưởng thành phố Bordeaux Alain Juppé cho rằng điều này đặt ra nhiều thách thức đối với nước Pháp, buộc Pháp phải tự trang bị những công cụ cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích của mình, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và quốc phòng.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy cảnh báo hai hậu quả địa chiến lược đối với Pháp và châu Âu là nước Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của mình mạnh mẽ hơn đồng thời làm đảo lộn các thỏa thuận về an ninh với các đồng minh chủ chốt.

Về châu Âu, tất cả các ứng cử viên đều cho rằng châu Âu đang bị đe dọa và chia rẽ.

Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy nhấn mạnh việc cần xem xét lại quyền hạn của Ủy ban châu Âu (EC).

Theo ông, điều này cần được thực hiện cùng với một hiệp ước mới.

Ông cho rằng châu Âu chỉ nên tập trung vào 10 ưu tiên quan trọng, còn các vấn đề khác, nên để các quốc gia thành viên tự định đoạt.

Liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố, cựu Thủ tướng François Fillon có quan điểm khá táo bạo so với quan điểm của Pháp từ trước đến nay khi đề nghị "mở lại kênh ngoại giao với Damascus" để thảo luận với chính quyền Syria, đồng thời "liên minh với cả Nga lẫn Mỹ" trước mối đe dọa toàn cầu là chủ nghĩa khủng bố.

Quan điểm này cũng được ông Jean-Francois Copé ủng hộ khi cho rằng vấn đề quan trọng không phải là số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà là phải tiêu diệt IS.

Trong phần cuối của buổi tranh luận, cả bảy ứng cử viên đều cam kết sớm hành động nếu được lựa chọn, để cùng nhau xây dựng lại niềm tự hào cho nước Pháp và người dân Pháp.

Trong những ngày vừa qua, các ứng cử viên đã có những chương trình tiếp xúc với cử tri tại nhiều địa phương nhằm thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình.

Theo các cuộc thăm dò gần nhất, các ứng cử viên đang bám đuổi nhau về tỷ lệ ủng hộ với tốp đầu gồm ba người: Alain Juppé (36%), Nicolas Sarkozy (30%) và cựu Thủ tướng François Fillon (18%).

Tuy nhiên, sau những gì diễn ra tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khi ứng cử viên Hillary Clinton, người luôn dẫn trước trong các cuộc thăm dò nhưng thất bại, báo chí Pháp cũng tỏ ra khá thận trọng trước kết quả các cuộc thăm dò.

Vòng bầu cử thứ nhất của cuộc bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra ngày Chủ nhật 20/11 tại 10.228 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp.

Đây là cuộc bầu cử mở cho tất cả mọi người chứ không chỉ đối với thành viên các đảng cánh hữu và trung hữu.

Để được tham gia bỏ phiếu, chỉ cần đăng ký danh sách cử tri, ký vào bản cam kết "chia sẻ các giá trị" của phe cánh hữu và trung hữu và đóng một khoản phí là 2 euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục