Bầu cử xã-phường ở Campuchia: Cuộc "sát hạch" lòng tin

Mặc dù là bầu cử cơ sở, song cuộc bầu cử xã-phường ở Campuchia vào ngày 4/6 tới có tầm quan trọng đặc biệt, được coi là “phép thử” cho các cuộc bầu cử quốc hội và thượng viện vào năm 2018.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen. (Nguồn; Reuters)

Mặc dù là bầu cử cơ sở, song cuộc bầu cử xã-phường ở Campuchia vào ngày 4/6 tới có tầm quan trọng đặc biệt, được coi là “phép thử” cho các cuộc bầu cử quốc hội và thượng viện vào năm 2018.

Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền hy vọng có thể lặp lại chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử xã-phường 5 năm trước để tiếp tục duy trì quyền lực, trong khi đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập cũng đang tìm cách tạo đà cho những cuộc bỏ phiếu quan trọng vào năm tới.

Bởi vậy, trong số 12 chính đảng đăng ký tranh cử lần này, chỉ có CPP và CNRP tham gia tranh cử ở tất cả 1.646 hội đồng xã-phường trên cả nước và đang cạnh tranh quyết liệt để thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Cuộc bầu cử xã-phường lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị ở Campuchia đã và đang có nhiều biến chuyển, đặc biệt tương quan lực lượng trên chính trường Campuchia đã có sự thay đổi đáng kể sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2013 khi CPP chỉ nắm giữ 68 ghế trên tổng số 123 ghế quốc hội, và CNRP nắm giữ 55 ghế còn lại. Tính chất quyết định của cuộc bầu cử này đối với tương lai của các chính đảng khiến chiến dịch tranh cử ở Campuchia diễn ra sôi động, ngày càng “nóng” dần. Dự kiến, hơn 7,8 triệu cử tri Campuchia (khoảng 81,4% cử tri đủ tư cách) sẽ tham gia bỏ phiếu.

Đảng CPP cầm quyền, sau đại hội bất thường năm 2015 với chủ đề “Cải cách là sự sống còn của dân tộc và của CPP”, đã kịp thời có những điều chỉnh về các vấn đề chiến lược và nhân sự, hướng đến cải cách sâu rộng, bao gồm cả nâng số ủy viên Ban chấp hành trung ương từ 306 người lên 545 người, với hầu hết là những người mới, ở độ tuổi dưới 50 chiếm 88%, ... CPP đưa ra cương lĩnh tranh cử 7 điểm, tập trung vào vấn đề nâng cao quyền lợi và đời sống của người dân, đặc biệt là những đối tượng như phụ nữ, trẻ em, người già, người dân tộc thiểu số; chống tham nhũng và lạm quyền; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Với tư cách là một đảng cầm quyền từng đóng vai trò chủ chốt trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot đem lại hòa bình cho Campuchia, nhiều năm qua, CPP đã đồng hành cùng người dân Campuchia trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Những thành tựu đáng ghi nhận mà đất nước Campuchia đạt được trong 38 năm qua (kể từ chiến thắng 7/1/1979 lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ) như thúc đẩy hòa hợp dân tộc, đảm bảo an ninh xã hội, giảm đói nghèo, đưa kinh tế phát triển với mức tăng trưởng 7% nhiều năm liên tiếp,…. đều mang dấu ấn lãnh đạo của CPP.

Như tuyên bố của Chủ tịch CPP, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen: “CPP là đảng đã nỗ lực xây dựng đất nước từ hai bàn tay trắng đến tiến bộ”. Đây sẽ là những điểm cộng cho CPP trong con mắt cử tri. Bên cạnh đó, bản thân Chủ tịch CPP cũng nhấn mạnh việc CPP thắng cử trong tất cả các cuộc bầu cử là yếu tố bảo đảm hòa bình để phát triển ở Campuchia.

Tuy nhiên, những vấn đề nan giải trong xã hội Campuchia hiện nay như nạn tham nhũng chưa thể ngăn chặn, dịch vụ công yếu kém, tình trạng bất công gây căng thẳng xã hội, thất nghiệp, môi trường ô nhiễm, rừng bị tàn phá,… đang tạo ra những thách thức không nhỏ đối với nỗ lực của CPP trong cuộc bầu cử sắp tới.

[Thủ tướng Campuchia cảnh báo chiến tranh nếu CPP thua cuộc]

Trong khi đó, đảng CNRP đối lập sau khi đạt được kết quả khá bất ngờ trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2013, cũng đã có bước chuẩn bị bài bản cho cuộc bầu cử xã-phường lần này. Bản thân việc CNRP có thể tham gia tranh cử ở tất cả các xã-phường cho thấy đảng đối lập này có nguồn nhân lực khá mạnh ở khắp các địa phương. Cương lĩnh tranh cử của CNPR tập trung vào các khẩu hiệu "thay đổi" dưới các hình thức khác nhau, trong đó ưu tiên tăng cường quyền lực của công dân, cung cấp dịch vụ công tốt, bảo đảm an ninh cơ sở và tản quyền, đặc biệt hứa hẹn phân bổ ngân sách lên tới 500.000 USD cho từng xã-phường trong cả nước.

CNPR cũng lợi dụng những bức xúc trong xã hội nhằm thu hút sự quan tâm của cử tri. Đảng này cũng đưa nhiều ứng cử viên trẻ dưới 30 tuổi cạnh tranh với ứng cử viên phần lớn là cao tuổi của CPP nhằm chuyển đi thông điệp “thay đổi ngay từ các lãnh đạo cơ sở.”

Tuy nhiên, những bê bối thời gian qua liên quan tới các lãnh đạo CNRP, trong đó có việc Chủ tịch đảng CNRP Sam Rainsy buộc phải lưu vong vì bị kết tội hình sự vào năm 2015 và sau đó phải từ chức Chủ tịch, hay Phó Chủ tịch đảng Kem Sokha, phải ra tòa vì dính líu đến bê bối tình ái trong năm 2016, cả việc CNPR dính dáng tới các vụ bạo lực gây rối sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2013, cũng ảnh hưởng đáng kể tới uy tín của đảng này.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã không loại trừ khả năng có những thế lực thù địch tìm cách kích động cái gọi là "cách mạng màu” trong dịp bầu cử, nhất là kích động các hành động gây rối tương tự như sau cuộc bầu cử quốc hội 2013. Nhà lãnh đạo Campuchia đã chỉ thị cho các lực lượng vũ trang sẵn sàng hành động nếu cần thiết, đồng thời cảnh cáo phe đối lập không được gây ra những hành động vi phạm pháp luật.

Tình hình chính trị Campuchia luôn ẩn chứa những diễn biến bất ngờ, bởi vậy kết quả cuộc bầu cử lần này trở nên đặc biệt khó dự báo. CPP cho rằng đảng này có thể giành tới 68% số phiếu trên toàn quốc, trong khi CNPR cũng đưa ra con số đầy tham vọng 60%. Cũng có ý kiến cho rằng CPP sẽ vẫn đứng đầu, song khó lặp lại chiến thắng vang dội của kỳ bầu cử xã-phường năm 2012 khi đảng này giành tới 97% số phiếu tại 1.633 xã, phường.

Cũng có dự báo cho rằng tỷ lệ phiếu mà CPP và CNRP giành được sẽ sít sao. Đảng nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử xã-phường lần này hầu như chắc chắn sẽ kiểm soát thượng viện trong kỳ bầu cử năm tới, bởi trong 61 ghế thượng viện có đến 57 ghế do các trưởng xã-phường trong cả nước trực tiếp bầu, 2 ghế còn lại do Quốc vương chỉ định và 2 ghế do quốc hội bầu.

Cuộc bầu cử ngày 4/6 tới có thể coi là "đợt sát hạch" đối với các chính đảng tham gia, đặc biệt đối với đảng CPP cầm quyền. Chắc chắn đảng nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử xã-phường lần này sẽ có lợi thế và uy tín khi bước vào cuộc bầu cử quốc hội năm sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục