Bầu cử Tổng thống Pháp: Cú hích cho cuộc đua vòng hai

Việc bị bà Le Pen "đánh úp" đã giúp ông Emmanuel Mac hiểu rõ đối thủ của mình trong vòng đua “đối mặt,” buộc ông thực sự vào cuộc, tạo nên cú hích cho vòng hai, khiến cuộc đua cuốn hút trở lại.
Bầu cử Tổng thống Pháp: Cú hích cho cuộc đua vòng hai ảnh 1Ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Marine Le Pen (phải). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phần khởi động của chiến dịch tranh cử tổng thống vòng hai có phần chậm chạp đối với ứng cử viên Emmanuel Macron.

Không hiểu là ông Macron và đội ngũ tranh cử của mình quá mệt mỏi sau nhiều tuần vận động với lịch trình dày đặc các cuộc míttinh hay ông cảm thấy hài lòng khi về nhất cuộc đua vòng một với 24,01% số phiếu bầu so với 21,3% của bà Marine Le Pen, và vì thế ông tự cho mình được “tạm nghỉ.”

Song các “sự cố” diễn ra trong ngày 26/4 đã giúp ông hiểu rõ đối thủ của mình trong vòng đua “đối mặt,” buộc ông thực sự vào cuộc, tạo nên cú hích cho vòng hai, khiến cuộc đua cuốn hút trở lại đối với cử tri Pháp.

[Bầu cử Pháp: Bà Marine Le Pen bất ngờ "đánh úp" ông Macron]

Câu chuyện xoay quanh số phận của nhà máy Whirlpool, thuộc tập đoàn thiết bị điện tử Whirlpool của Mỹ. Nhà máy đóng tại thành phố Amiens - quê hương của ứng cử viên Macron, đang hoạt động tốt, thu lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, tập đoàn Whirlpool đã thông báo sẽ đóng cửa nhà máy vào năm 2018 và chuyển cơ sở sản xuất đến thành phố Lodz, Ba Lan.

Với quyết định này, 600 người lao động trực tiếp và gián tiếp sẽ mất việc.

Cùng có mặt tại đây trong ngày 26/4, nhưng hai ứng cử viên Macron và Le Pen đã được các công nhân đón tiếp với hai thái độ hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu thái độ dành cho bà Marine Le Pen là sự thân thiện, cởi mở thì ông Emmanuel Macron lại được chào đón trong tiếng la ó, huýt sáo và cảnh chen lấn, xô đẩy.

Theo lịch trình, sáng ngày 26/4, ứng cử viên Macron có buổi làm việc tại trụ sở Phòng Công nghiệp thành phố Amiens, với đại diện các tổ chức công đoàn của nhà máy để bàn về các biện pháp bảo vệ việc làm cho người lao động.

Trong khi ông Macron đang thảo luận về khả năng tìm doanh nghiệp mua lại nhà máy thì ứng cử viên cực hữu Le Pen đã bất ngờ xuất hiện tại bãi đỗ xe của nhà máy vào buổi trưa.

Chuyến thăm chớp nhoáng của bà không nằm trong kế hoạch, mà được bà quyết định một cách nhanh chóng sau khi thấy ông Macron có mặt tại khu vực này nhưng chưa đến gặp gỡ người lao động tại đây. Bà đã có 20 phút để trò chuyện thân mật với công nhân. Bà ca ngợi những công nhân là đã dám “kháng cự lại quá trình toàn cầu hóa hỗn loạn.”

Bà tuyên bố nếu trở thành tổng thống, bà sẽ không đóng cửa nhà máy mà sẽ quốc hữu hóa hoặc ít nhất góp vốn nhà nước vào đây để bảo vệ công việc cho người lao động.

Bà dọa sẽ áp thuế 35% đối với sản phẩm nhập khẩu vào Pháp của những nhà máy đã chuyển sang địa điểm khác. Bà cũng chế nhạo ông Macron là không đủ can đảm đến gặp người lao động.

Phản ứng sau vụ việc, ứng cử viên Macron đã có buổi họp báo. Ông tố cáo những phát biểu mang tính mị dân của bà Le Pen. Theo ông, chính chương trình của bà Le Pen mới dẫn đến việc hủy hoại nền kinh tế và sức mua của người dân.

Ông giải thích rằng buổi làm việc với các tổ chức công đoàn là để thảo luận những giải pháp có chiều sâu, theo một lộ trình chứ không phải là để đưa ra những lời hứa suông.

Chiều 26/4, cùng với đại diện các tổ chức công đoàn, ông Macron đã có mặt tại nhà máy. Tuy nhiên, đây là một tình huống vô cùng rủi ro. Những người ủng hộ bà Le Pen có mặt tại đây từ sáng đã tạo một cảnh tượng hỗn loạn khiến ông Macron vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận được người lao động, mặc dù cuộc đối thoại cuối cùng cũng đã được thiết lập.

[Anh lo ngại Brexit bị ảnh hưởng nếu ông Macron giành chiến thắng]

Tối cùng ngày, tại buổi míttinh tại thành phố Arras, ứng cử viên Macron đã công kích gay gắt đối thủ của mình về các lập luận mang tính mị dân kiểu như để giảm thất nghiệp, chỉ cần đóng cửa biên giới, đánh thuế cao các hàng hóa nhập khẩu, cấm chuyển các nhà máy sang các nước khác, cấm người lao động các nước đến làm việc tại Pháp…

Theo ông, các đề xuất của bà Le Pen chỉ “bôi nhọ hình ảnh nước Pháp và đưa nước Pháp ra khỏi dòng chảy lịch sử.”

Ông cũng nêu rõ trong chương trình hành động của mình, ông muốn triển khai một “Kế hoạch Marshall” để tái công nghiệp hóa nhiều vùng lãnh thổ của Pháp vốn bị thua thiệt về kinh tế trong nhiều năm qua bằng việc thiết lập các khu chế xuất.

Bình luận về những hình ảnh tương phản giữa hai cuộc gặp của bà Le Pen và ông Macron với các công nhân tại nhà máy Whirlpool, truyền thông Pháp cho rằng bà Le Pen đã biết khai thác sự chậm chạp của ông Macron trong những ngày qua để trở thành người dẫn dắt nhịp độ cuộc đua.

Ông Macron và đội ngũ tranh cử của mình đã không lường hết những gay cấn nên đã để xảy ra vụ “đánh úp” của bà Le Pen tại địa điểm vận động tranh cử của ông Macron. Vụ việc đã trở thành “giai thoại” trong một chiến dịch tranh cử vốn đã rất nhiều biến động.

Cho đến nay, mặc dù luôn dẫn trước bà Le Pen trong các cuộc thăm dò về kết quả vòng hai với tỷ lệ 62-64% so với 36-38%, nhưng ông Macron không được chủ quan. Ông cần hiểu rằng chính trường thì vô cùng gai góc và đối thủ của ông sẽ không để ông chiến thắng một cách dễ dàng. Điều khó khăn nhất vẫn đang ở phía trước.

Bởi vì, bà Le Pen đang có chiến lược hiệu quả thu hút cử tri là công nhân và nông dân, những người bị toàn cầu hóa bỏ quên hoặc gạt sang bên lề. Với những người lao động này, toàn cầu hóa là mối đe dọa chứ không phải là một cơ hội.

Bầu cử Tổng thống Pháp: Cú hích cho cuộc đua vòng hai ảnh 2Ứng cử viên Emmanuel Macron (giữa) tại Amiens, Pháp, ngày 26/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cú bẻ lái mạnh của ông Macron trong ngày 26/4 với các cuộc míttinh và họp báo để gọi đúng tên những phát biểu mang quan điểm dân túy của bà Le Pen là cần thiết song chưa đủ.

Ông cần phải đưa ra những giải pháp và đề xuất cụ thể dưới góc độ kinh tế và việc làm để quá trình toàn cầu hóa và hội nhập châu Âu trở thành cơ hội thành công đối với tất cả mọi người dân Pháp. Nếu không, mặc dù đã vượt qua ranh giới tả-hữu của các đảng phái, nhưng ông không vượt qua được một ranh giới khác đã chia rẽ nước Pháp, đó là hố ngăn cách giữa những người thành công và thất bại trong toàn cầu hóa.

Khi đó, những người thất bại sẽ nhìn ông như một “ứng cử viên của phòng trà,” đại diện cho giới tài chính trong khi bà Le Pen lại được nhìn nhận như “người đại diện của nhân dân”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục