Cuộc bầu cử Tổng thống tại Afghanistan vẫn diễn ra theo đúng lịch trình vào ngày 5/4, bất chấp bạo lực gia tăng và âm mưu phá hoại của lực lượng Taliban.
Gần 200.000 binh sỹ an ninh Afghanistan đã được triển khai trên toàn quốc để ngăn chặn các cuộc tấn công của Taliban.
Các vòng an ninh được thiết lập xung quanh từng trung tâm bỏ phiếu, trong khi cảnh sát và quân đội triển khai lực lượng ở vòng ngoài.
Không ai kỳ vọng tất cả khoảng 11 triệu cử tri sẽ đi thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi công dân của mình, song cuộc bầu cử lần này là cơ hội để người dân Afghanistan tự khẳng định mình, khẳng định tinh thần tự do, độc lập, tự cường của một quốc gia luôn chìm đắm trong chiến tranh và phải lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài.
Cuộc bầu cử tìm người kế nhiệm Tổng thống Hamid Karzai được coi là cuộc bầu cử quan trọng nhất tại Afghanistan kể từ khi chính quyền Taliban bị đánh đổ năm 2001.
Một cuộc chuyển giao chính trị suôn sẻ sẽ phụ thuộc vào thành công của cuộc bầu cử Tổng thống, cũng như các cuộc bầu cử hội đồng cấp tỉnh lần này.
Lực lượng NATO, do Mỹ đứng đầu, đã lên kế hoạch rút quân vào cuối năm nay, nên tiến trình bầu cử tại Afghanistan sẽ càng thêm quan trọng.
Thành công của cuộc bầu cử sẽ góp phần bảo đảm an ninh và ổn định lâu dài tại Afghanistan, thông qua việc kết quả bầu cử sẽ nhanh chóng dẫn tới thiết lập được một Chính phủ có năng lực kế tiếp Chính phủ của ông Karzai, người đã giữ trọng trách này trong hai nhiệm kỳ.
Ngược lại, thất bại của cuộc bầu cử sẽ gây nên những hậu quả tai hại đối với hòa bình, ổn định không chỉ tại Afghanistan, mà cả toàn bộ khu vực.
Có tránh được thất bại trong cuộc bầu cử hay không, điều đó phần lớn phụ thuộc vào các cơ quan điều hành bầu cử độc lập, hiệu quả, cũng như sự tham gia tích cực của người dân Afghanistan và chiến lược chống gian lẫn hiệu quả.
Theo kinh nghiệm những cuộc bầu cử trước đây, đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống cùng Hội đồng cấp tỉnh năm 2009 và Hạ nghị viện (Wolesy Jirga) năm 2010, tiến trình dân chủ tại Afghanistan đã bị bóng đen bao phủ do tình trạng an ninh xuống cấp nghiêm trọng, gian lẫn bầu cử và sự lôi kéo chính trị giữa các phái.
Đây vẫn là thách thức chính trong cuộc bầu cử lần này và gây cản trở cho người dân Afghanistan thực hiện những điều mà họ mơ ước.
Nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, mới đây Quốc hội Afghanistan đã thông qua Luật bầu cử và Luật về cơ cấu và trách nhiệm của Ủy ban bầu cử quốc tế độc lập (IEC) và Ủy ban khiếu nại về bầu cử (ECC).
Tuy nhiên, việc thực thi đúng các điều khoản của hai Luật này trong khi thực hiện sứ mạng của mình là thách thức lớn đối với cả IEC lẫn ECC trong bối cảnh bạo lực và hăm dọa gia tăng.
Theo Hiến pháp Afghanistan, nhiệm kỳ Tổng thống sẽ kết thúc ngày 21/5 và nhiệm kỳ Hạ nghị viện sẽ kết thúc ngày 21/6 sau 5 năm kể từ ngày bầu cử.
Nếu không ứng cử viên nào đạt hơn 50% số phiếu bầu, cuộc bầu cử vòng hai sẽ được tổ chức cho hai ứng cử viên hàng đầu ganh đua tiếp.
Kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào giữa tháng Năm và Tổng thống Hamid Karzai sẽ chính thức từ chức. Nhiều nhà quan sát cho rằng đất nước Afghanistan sẽ có tân Tổng thống sớm nhất là vào tháng Bảy hoặc tháng Tám.
Người dân Afghanistan cũng như dư luận thế giới đang nóng lòng theo dõi xem ai trong số tám ứng cử viên sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua và không dám chắc có ứng cử viên nào giành thắng lợi tuyệt đối để tránh phải tổ chức cuộc bầu cử vòng hai phiền toái và mạo hiểm.
Tuy nhiên, điều mà người ta dễ nhận thấy nhất là bất cứ ai trở thành Tổng thống Afghanistan đều phải gánh vác trách nhiệm nặng nề trong việc ổn định tình hình và duy trì hòa bình ở thời kỳ quá độ sau khi phương Tây rút quân.
Trong khi đó, phục hồi kinh tế, tiếp tục tái thiết đất nước sau những thập niên chiến tranh liên miên cũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn./.