Theo kết quả sơ bộ các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ngày 24/6, đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cùng đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền đang dẫn đầu.
Với khoảng 50% số phiếu đã được kiểm, ông Erdogan giành được 57 % số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống. Ứng cử viên đang đứng ở vị trí thứ 2 là ông Muharrem Ince - đại diện cho đảng Nhân dân cộng hòa (CHP), được 29%.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội, với khoảng 40% số phiếu đã được kiểm, đảng AKP cầm quyền giành được 47% số phiếu bầu, trong khi CHP được 19% và đảng Dân chủ nhân dân (HDP), có quan điểm ủng hộ người Kurd, được 9%.
Theo truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cả 2 cuộc bầu cử là khá cao, đạt 87%.
Cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/6 được coi là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ qua.
[Cuộc bầu cử vẽ lại diện mạo bàn cờ chính trị Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu]
Người giành chiến thắng sẽ có những quyền lực mới theo hiến pháp sửa đổi vốn được Tổng thống Erdogan ủng hộ và thông qua hồi năm ngoái sau cuộc trưng cầu ý dân.
Tuy nhiên, đây cũng sẽ là thách thức chính trị lớn nhất đối với Tổng thống Erdogan và AKP kể từ khi nắm quyền điều hành đất nước trong 15 năm qua.
Trong khi đó, cuộc bầu cử quốc hội sẽ lựa chọn 600 nghị sĩ, tăng 50 nghị sĩ so với trước thời điểm sửa đổi hiến pháp.
Tháng Tư vừa qua, Tổng thống Erdogan đã kêu gọi tổng tuyển cử sớm, thay vì diễn ra vào ngày 3/11/2019.
Theo lý giải của Tổng thống Erdogan, việc có thêm các quyền lực mới sẽ giúp ông dễ dàng giải quyết những thách thức kinh tế mà đất nước đang đối mặt, trong đó có việc đồng nội tệ lira giảm tới 20% giá trị so với đồng USD trong năm nay, cũng như thỏa thuận với lực lượng nổi dậy người Kurd (Cuốc) ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và tại các nước láng giềng Iraq và Syria.
Cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp sau âm mưu đảo chính bất thành vào tháng 7/2016 của một nhóm binh sỹ và sỹ quan quân đội nước này.
Hơn 240 người đã thiệt mạng và hơn 2.000 người khác bị thương trong cuộc bạo loạn mà Ankara quy trách nhiệm cho giáo sỹ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ thực hiện. Tuy nhiên, giáo sỹ Gulen đã bác bỏ mọi cáo buộc.
Sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, đến nay, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải, bắt giữ hàng chục nghìn người với cáo buộc ủng hộ phong trào của giáo sỹ Gulen.
Ngay trước ngày bầu cử, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin nhà chức trách nước này đã bắt giữ 11 thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK), bị nghi ngờ chuẩn bị có hành động khiêu khích trong cuộc bầu cử.
Theo hãng thông tấn Anadolu, 11 đối tượng trên bị bắt sau khi đã trao đổi với nhau về những hành động khiêu khích. Tuy nhiên, hãng Anadolu không nói rõ chi tiết về hành động khiêu khích này./.