Chỉ còn vài ngày nữa hơn 2,65 triệu cử tri Singapore sẽ đi bỏ phiếu bầu 93 nghị sỹ quốc hội.
Đây là cuộc tổng tuyển cử có một không hai trong lịch sử bầu cử tại Đảo quốc sư tử kể từ năm 1965 tới nay.
Bầu cử diễn ra trong bối cảnh kinh tế Singapore rơi vào suy thoái do chịu những tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đại dịch COVID-19.
Số người thất nghiệp được dự báo có thể lên tới 100.000 người trong năm nay, trong khi doanh nghiệp và người dân đối mặt nhiều khó khăn.
[Bầu cử Singapore 2020: "Nước cờ" chính trị then chốt của PAP]
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore, Phó Giáo sư Bilveer Singh, trường Đại học Quốc gia Singapore, chuyên gia kỳ cựu với 35 nghiên cứu về bầu cử tại nước này, nhận định trong giai đoạn 2015-2020, có nhiều yế tố tác động tới cuộc bầu cử năm nay.
Trong các yếu tố này phải kể đến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Singapore là quốc gia phụ thuộc vào giao thương quốc tế, gần như nhập khẩu mọi thứ. Do đó, khi hai đối tác thương mại hàng đầu của đảo quốc này đối đầu nhau, Singapore sẽ chịu tác động lớn.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 xuất hiện vào tháng 1/2020 đã làm thay đổi toàn bộ bức tranh chính trị không chỉ đối với Singapore mà toàn thế giới. Đây là cuộc khủng hoảng mà Singapore chưa từng đối mặt.
Đánh giá về những lợi thế và bất lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm nay của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền do Thủ tướng Lý Hiển Long lãnh đạo, Phó Giáo sư Bilveer nhấn mạnh PAP có nhiều lợi thế hơn là bất lợi so với các kỳ bầu cử trước đây.
Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong giai đoạn khủng hoảng và hiện cử tri Singapore hài lòng với bước đi mang tính cách mạng vừa qua khi chính phủ đã sử dụng nguồn ngân sách dự trữ "đúng thời điểm" để giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19.
Thứ hai, xét về tổng thể, người dân vẫn đặt niềm tin vào chính phủ hiện nay.
So với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, Chính phủ Singpapore đã xử lý tương đối tốt dịch COVID-19, tỷ lệ tử vong thấp, tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng không nhiều.
Đây là lý do khiến cử tri tin tưởng chính phủ vẫn bảo vệ cuộc sống của người dân. Trong khi đó, các đảng đối lập hiện nay chưa đủ mạnh.
Bất lợi của PAP và chính phủ hiện nay đó là ở một mức độ nào đó, người dân vẫn lo ngại về dịch bệnh chưa từng có này.
Hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh lây nhiễm và lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở.
Ngoài ra, không thể phủ nhận Singapore chưa thành công trong kiểm soát dịch bệnh tại các khu nhà ở của lao động nước ngoài.
Nhận định về cơ hội cho các đảng đối lập, đặc biệt là đảng Công nhân (WP) và Đảng Singapore Tiến bộ (PSP), trong cuộc bầu cử năm nay, Phó Giáo sư Singh cho rằng nếu không có đại dịch COVID-19, hai chính đảng này này sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với PAP. Tuy nhiên, tình hình thực tế thay đổi và lãnh đạo hai đảng trên đều không tỏ quá kỳ vọng vào bầu cử.
Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, trong giai đoạn từ khi giải tán quốc hội, công bố Lệnh bầu cử tới Ngày Đề cử, có hai đảng đối lập quyết định rút lui, đó là đảng SingFirst và đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP), trong đó SingFirst tuyên bố tự giải thể. Điều đó chứng tỏ các đảng đối lập nhận thấy họ không có cơ hội trong cuộc bầu cử lần này.
Phó Giáo sư Bilveer dự báo đảng PAP có thể giành được ít nhất 87 ghế và chỉ thua tại hai khu vực là Aljunied GRC (5 ghế) và Hougang SMC (1 ghế)./.