Những ngày này, trên các tuyến phố phường nội đô hay những vùng quê ngoại thành Hà Nội đều rộn lên không khí hướng về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Cờ hoa, băngrôn, khẩu hiệu, biểu ngữ tuyên truyền về cuộc bầu cử, cùng với tranh ảnh, khuyến cáo về phòng, chống dịch COVID-19 được bố trí ở nhiều nơi.
Mọi điều kiện cơ sở vật chất cho ngày hội lớn được Thủ đô chuẩn bị chu đáo, đảm bảo cuộc bầu cử thành công tốt đẹp trong thời điểm đặc biệt, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Diễn tập “kịch bản” vừa chống dịch vừa bầu cử
Là quận trung tâm, có nhiều cơ quan Trung ương, bộ ngành đóng chân nên công tác chuẩn bị bầu cử tại Ba Đình càng được chuẩn bị chu đáo, cặn kẽ từng khâu, từng bước từ công tác tuyên truyền, tổ chức cho đến triển khai công tác bảo vệ nơi bỏ phiếu.
Đặc biệt, quận Ba Đình đã diễn tập giả định các tình huống: khi có dịch COVID-19 xảy ra tại một số tổ bầu cử; khu phố bị phong tỏa; tổ bầu cử bị cách ly y tế và sự cố cháy tại khu vực bỏ biếu để sẵn sàng ứng phó, đảm bảo ngày hội non sông được diễn ra an toàn, đúng quy định.
Cùng với các tình huống giả định, quận Ba Đình hướng dẫn các đơn vị phục vụ bầu cử thực hiện thuần thục các giải pháp như đo thân nhiệt, phân luồng cử tri, bảo đảm khoảng cách, sát khuẩn tay trước và sau khi viết, bỏ phiếu bầu, hướng dẫn cách di chuyển, sát khuẩn thùng phiếu phụ tại các điểm bầu cử đang cách ly tập trung tại nhà và các cơ sở y tế hay cả một dãy phố...
[Video] Vận động đảm bảo an toàn cho công nhân trong dịp bầu cử
Tham gia buổi diễn tập, ông Nguyễn Tất Thành, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 5, phường Quán Thánh (Ba Đình), cho hay cuộc diễn tập đã giúp tổ bầu cử rút được nhiều kinh nghiệm, hữu ích trong giải quyết các tình huống xảy ra trong ngày bầu cử.
Theo ông Nguyễn Công Thành, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử quận Ba Đình, xác định bầu cử là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, ngay từ đầu năm, quận đã tập trung triển khai các bước theo quy định.
Riêng về diễn tập bảo vệ bầu cử, quận đã xây dựng phương án, kế hoạch toàn diện ở tất cả các khâu. Tuy nhiên, các tình huống không chỉ bó hẹp ở một “kịch bản” đã thực hiện tại buổi diễn tập mà quận luôn cập nhật và bổ sung các phương án để ứng phó kịp thời nhất với diễn biến dịch bệnh trong ngày bầu cử.
“Quận yêu cầu các đơn vị trên địa bàn phải thường xuyên luyện tập, tổ chức các buổi diễn tập trong thời gian tới, với mục tiêu cao nhất, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp,” ông Nguyễn Công Thành thông tin.
Ngoài Ba Đình, các quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội cũng đã và đang hoàn thiện công việc cuối cùng cho ngày bầu cử 23/5.
Mỗi nơi có một đặc thù, một cách làm sáng tạo, chủ động thực hiện các phương án, linh hoạt phương thức tổ chức gắn với tăng cường các biện pháp phòng dịch.
Như quận Đống Đa đã xây dựng kịch bản cụ thể về nhân sự các tổ bầu cử, để công tác bầu cử không bị gián đoạn nếu xuất hiện ca mắc COVID-19 là thành viên tổ bầu cử.
Theo ông Đặng Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử huyện Thanh Trì, ngay khi nhận tin có 10 ca mắc COVID-19 tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, huyện tích cực tham gia công tác phong tỏa, cách ly; đồng thời, tiến hành rà soát, truy vết các trường hợp có liên quan.
Huyện đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch tại các khu vực bỏ phiếu, chuẩn bị hòm phiếu phụ ở các điểm cách ly. 131 điểm bỏ phiếu đều bố trí lối đi một chiều cho cử tri để bảo đảm phòng, chống dịch.
Mong chờ ngày hội non sông
Giữa lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mạng xã hội “bủa vây” thì tiếng loa truyền thanh cơ sở đang là thông tin chính thống ở mỗi làng quê trước những ngày bầu cử.
Từ hàng tháng nay, từ đầu làng cuối xóm của xã Dương Hà (Gia Lâm) luôn rộn rã tiếng loa truyền thanh phát đi những bản tin về bầu cử và phòng, chống dịch COVID-19. Thời lượng tuyên truyền từ 10-20 phút mỗi ngày, tùy theo tình hình dịch bệnh.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Dương Hà Nguyễn Ngọc Thịnh cho hay xã tập trung tuyên truyền theo phương châm: Bầu cử trách nhiệm, chống dịch toàn diện. Từ đó, “nhà đài” có những chủ đề tuyên truyền cho phù hợp. Sát tới ngày bầu cử, xã chỉ đạo tập trung tuyên nhiều về tiểu sử các ứng viên cho người dân thấu đáo trước khi bỏ lá phiếu đại diện cho mình.
Cùng với công tác tuyên truyền đang được đẩy mạnh, việc trang trí đường phố và các điểm bầu cử cũng đã cơ bản hoàn tất, tạo không khí háo hức, rộn ràng trong ngày hội lớn.
Tại các tuyến phố trung tâm như bờ hồ, Tràng Tiền, Tràng Thi, Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng... đến các ngõ xóm, bảng làng người Dao ở Ba Vì, Thạch Thất đều xuất hiện nhiều cụm panô, áp phích, biểu ngữ hướng về ngày hội non sông.
Mục đích của việc tuyên truyền trực quan nhằm tạo sự khí thế háo hức, rộn ràng để cử tri Hà Nội thống nhất về nhận thức, hiểu rõ về vai trò vị trí của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, thực hiện bầu cử nghiêm túc, đúng luật định.
Theo Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội, tại Thủ đô có 10 ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 30 ban bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2021-2026.
Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã thành lập 269 ban bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện; Ủy ban Nhân dân xã, thị trấn thành lập 3.056 ban bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã; Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn thành lập 4.831 tổ bầu cử tại 4.831 khu vực bỏ phiếu theo quy định.
Sau khi đi kiểm tra tại nhiều địa phương trên địa bàn về công tác bầu cử kết hợp phòng, chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội đánh giá, các địa phương, tổ bầu cử đã tăng cường phòng dịch trong tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử. Đồng thời, có “kịch bản” xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình bầu cử.
Tuy nhiên, các quận, huyện, thị xã vẫn cần tiếp tục làm tốt và tập trung hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch để đảm bảo cho ngày hội non sông diễn ra an toàn, dân chủ và đúng luật định./.