Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân: Bình đẳng giới về thực chất

Số lượng nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam ngày càng tăng, từ Quốc hội khóa I (1946-1960) chỉ có 10 đại biểu là nữ, chiếm 3% đến Quốc hội khóa XIV số đại biểu nữ được nâng lên 133 người, chiếm 26,8%.
Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân: Bình đẳng giới về thực chất ảnh 1Trong lịch sử 75 năm Quốc hội Việt Nam, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV mang một dấu ấn đặc biệt khi lần đầu tiên có một nữ chủ tịch Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Căn cứ các quy định của pháp luật về bầu cử, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định: Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 là Chủ nhật, ngày 23/5/2021.

Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm bài viết “Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân: Những con số biết nói.”

Bài 1: Bình đẳng giới về thực chất

Luật Bình đẳng giới (năm 2006) của Việt Nam nêu rõ: Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Một trong những nội dung của bình đẳng giới là sự bình đẳng trong lĩnh vực chính trị, cụ thể nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội; trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức; trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp.

Nhìn sâu vào những con số

Số lượng nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam ngày càng được nâng cao qua từng nhiệm kỳ. Trong Quốc hội khóa I (1946-1960) chỉ có 10 đại biểu là nữ, chiếm 3%, đến Quốc hội khóa XIV (2016-2021) số đại biểu nữ được nâng lên 133 người, chiếm 26,8%.

Trong tổng số 496 đại biểu Quốc hội được bầu vào ngày 22/5/2016 các đại biểu nữ (133 người) nhìn chung đã phát huy tốt vai trò của mình dù là lần đầu tham nghị trường hay đang đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai, thứ ba, thậm chí là thứ năm.

Điều đặc biệt, tại Quốc hội khóa XIV lần đầu tiên nước ta có một vị Chủ tịch Quốc hội là nữ - bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Theo phân tích của Cổng thông tin điện tử Quốc hội về thực trạng hoạt động của nữ đại biểu trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, mặc dùy chiếm chưa tới 1/3 nhưng các nữ đại biểu hoạt động khá tích cực và được đánh giá cao.

Dù đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau nhưng đại đa số các nữ đại biểu Quốc hội đều giữ vững phẩm chất là người đại biểu nhân dân, là những người lãnh đạo gắn bó với cử tri, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

[Chủ tịch Quốc hội: Sáng suốt lựa chọn người đại biểu của nhân dân]

Nhiều nữ đại biểu đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm công tác, dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội, tích cực tham gia ý kiến trên các lĩnh vực y tế, an ninh-quốc phòng, đối ngoại, nhất là vấn đề bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

Có thể phần nào đánh giá hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội qua các bài phát biểu của họ tại các kỳ họp, các phiên thảo luận.

Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ví dụ cụ thể tại các phiên thảo luận kinh tế-xã hội của Kỳ họp thứ Hai (tháng 10/2016) có 86 lượt ý kiến phát biểu, trong đó ý kiến của đại biểu nữ là 19 (22,10%); tại Kỳ họp thứ Tư (năm 2017) tỷ lệ này là 21/94 lượt ý kiến (22,34%) và tại Kỳ họp thứ Sáu (năm 2018) là 21/88 (23,86%).

Số liệu thống kê cũng cho thấy, vào đầu nhiệm kỳ các đại biểu nữ thường có tâm lý e dè, ít phát biểu nhưng càng về sau, số lần phát biểu càng nhiều lên.

Chất lượng nữ đại biểu Quốc hội cũng được nâng cao dần - hàm lượng khoa học, chuyên môn trong các bài phát biểu của nữ giới trong những khóa Quốc hội gần đây tương đương với nam giới. Khóa Quốc hội nào cũng có những gương mặt nữ nổi trội, thảo luận sôi nổi, chất vấn thẳng thắn, giải quyết đến cùng sự việc.

Nghiên cứu vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016-2021 do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và các đối tác đồng thực hiện cho thấy, nam đại biểu Quốc hội chủ động hơn trong việc tiếp xúc với cử tri, song các nữ đại biểu lại tiếp xúc cử tri qua mạng xã hội thường xuyên hơn.

Trong kế hoạch hành động, nữ đại biểu quan tâm hơn so với nam giới về các lĩnh vực về giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, dân tộc, lao động-thương binh và xã hội, tôn giáo và tín ngưỡng.

Không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ đại biểu về thời gian dành cho các hoạt động với tư cách đại biểu Quốc hội cũng như trong việc giải quyết các đơn, thư khiếu nại, kiến nghị của cử tri.

Tiến sỹ Trần Văn Túy, nguyên Trưởng ban Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết trong Quốc hội khóa XIII đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề xuất xây dựng Luật về đại biểu Quốc hội.

Sang khóa XIV, nữ đại biểu lại đề xuất xây dựng Luật Hành chính công và đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho triển khai nghiên cứu, thành lập Ban soạn thảo. Dự án Luật Hành chính công được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận tại phiên họp thứ 27 (ngày 11/9/2018). 

Khi trở thành đại biểu Quốc hội, phụ nữ có điều kiện tham gia xây dựng chính sách, nhất là những chính sách liên quan đến nữ giới nhằm bảo đảm cho những phụ nữ khác có đủ điều kiện được bảo vệ quyền lợi và cơ hội tham gia hoạt động chính trị. Điều này sẽ tạo đà cho việc tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của nữ giới, góp phần vào thành công của chiến lược bình đẳng giới về thực chất.

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Các nữ đại biểu tham gia ngày càng tích cực trong các hoạt động của Quốc hội, tiếp tục khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của người đại biểu nhân dân.

Có hàng trăm lượt ý kiến phát biểu của nữ đại biểu góp ý vào các báo cáo trình Quốc hội (khóa XIV), các dự án luật trong các phiên thảo luận, chất vấn được tổ chức tại kỳ họp Quốc hội và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần đầu tiên có nữ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền sáng kiến lập pháp.”

Điều chờ đợi ở tương lai

Báo cáo Phát triển con người năm 2020 của UNDP cho biết, Việt Nam đứng thứ 65/162 và nằm trong nhóm 1/3 các quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.

Tuy vậy, từ một góc nhìn khác, hoạt động trong các cơ quan dân cử vẫn là điều không dễ dàng đối với các đại biểu nữ khi chưa có sự cân bằng tương đối về giới trong cơ cấu của Quốc hội.

Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân: Bình đẳng giới về thực chất ảnh 2Nữ đại biểu Quốc hội đóng góp tích cực vào việc bảo đảm sự công bằng, bao trùm trong các chính sách, pháp luật được trình Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Các quyết sách được ban hành theo ý kiến của đa số nên cần phải tăng cường số lượng đại biểu nữ trong các cơ quan dân cử, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới tính trong lĩnh vực chính trị.

Trên thực tế, trong những năm qua việc triển khai chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc tăng số lượng nữ đại biểu Quốc hội vẫn chưa đạt yêu cầu.

Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV được thực hiện trên tinh thần của khoản 2, Điều 8 - Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân - “Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm (35%) tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.”

Thực tế triển khai quy định này cho thấy, nhiều địa phương cấp tỉnh không đạt tỷ lệ nữ ứng cử viên tối thiểu theo luật định. Song, do thiếu chế tài ràng buộc nên không có cơ quan, đơn vị, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm về kết quả này.

Để tăng cường số lượng nữ đại biểu trong Quốc hội, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp, trong đó có việc phải đảm bảo để Hội Liên hiệp Phụ nữ mỗi tỉnh, thành phố có đại diện trong Ủy ban Bầu cử của địa phương đó.

Điều này sẽ góp phần hỗ trợ kịp thời đối với các nữ ứng cử viên trong quá trình vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri trước khi bầu cử. Tiếp nữa, trong mọi khâu quy hoạch cán bộ cần chú trọng hơn nữa đối với cán bộ nữ; phải có chiến lược đầy đủ để đáp ứng, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển và có chiến lược lâu dài để đào tạo, nâng cao trình độ của họ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đặt mục tiêu là sẽ có hơn 30% đại biểu nữ trong Quốc hội khóa XV. Việc đảm bảo tỷ lệ nữ khá cao trong các cơ quan dân cử không chỉ đáp ứng yêu cầu về cơ cấu đại biểu mà sẽ đảm bảo cho việc phụ nữ tham gia quyết định các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới và các vấn đề xã hội.

Theo danh sách ứng cử viên chính thức, trong tổng số 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV có 393 phụ nữ, đạt 45,3%, tăng 6,3% so với khóa XIV. Trong đó, 45 người được giới thiệu ứng cử tại các cơ quan trung ương (22,2%); 348 người là ứng cử viên ở khối địa phương (52,3%).

Luật sư Nguyễn Thị Kiều (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, yếu tố quan trọng để các nữ ứng cử viên được cử tri tin tưởng, lựa chọn là bản thân các chị em phải thực sự tin tưởng vào bản thân, vào truyền thống của phụ nữ Việt Nam, vào chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc ủng hộ nữ giới tham gia hệ thống chính trị.

Bà Lê Thị Thu, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nêu rõ: Không ai có thể đại diện tốt nhất cho phụ nữ bằng chính giới nữ. Cho nên họ phải tự tin để nhận lấy trách nhiệm. Nếu tự tin, họ sẽ nỗ lực, quyết tâm biến những mong muốn của nữ giới thành hiện thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục