Bầu cử Quốc hội Đức: Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu tăng mạnh

Tính đến 14 giờ (giờ địa phương) ngày 26/9 ở Đức, riêng tại bang Hamburg, số cử tri tham gia bầu cử Quốc hội đã đạt gần 64% - cao hơn gần 8% so với cuộc bầu cử 4 năm về trước.
Bầu cử Quốc hội Đức: Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu tăng mạnh ảnh 1Cử tri bỏ phiếu bầu Quốc hội tại điểm bầu cử ở Berlin (Đức), ngày 26/9/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội nước này tính tới trưa 26/9 (theo giờ địa phương) đã tăng mạnh và cao hơn mức so với năm 2017.

Cuộc bầu cử Quốc hội liên bang diễn ra trên toàn quốc và được tiến hành song song với cuộc bầu cử Nghị viện tại các bang Berlin và Mecklenburg-Vorpommern.

Tại bang Hamburg, tính đến 14 giờ, số cử tri tham gia bầu cử đã đạt gần 64%, cao hơn gần 8% so với cuộc bầu cử 4 năm trước. Tại bang Niedersachsen, số cử tri đi bầu tính tới 12 giờ 30 phút đạt 36,35%, cao hơn mức 32,08% cùng thời điểm so với cuộc bầu cử 4 năm trước.

Tại Bremen, tính đến 12 giờ trưa, số cử tri đi bầu đạt 27,2%, song theo cơ quan bầu cử có rất đông cử tri đã bỏ phiếu qua bưu điện. Trong khi đó tại bang Nordrhein-Westfalen, số cử tri đi bầu trung bình tại các điểm bầu cử đạt tới 45%, cao hơn 5% so với năm 2017.

Tuy nhiên, tại một số bang, số cử tri tới các điểm bầu cử lại thấp hơn so với 4 năm trước, có thể do phần lớn đã bầu qua hình thức gửi thư bưu điện.

Theo truyền thông Đức, đã có một số sự cố nhỏ xảy ra trong sáng ngày bầu cử. Ứng cử viên thủ tướng của Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) Armin Laschet đã gây xôn xao khi ông gấp lá phiếu không đúng cách, để lộ phần tích chọn cho ứng cử viên/đảng ra phía ngoài khi được phóng viên chụp hình và quay phim khoảnh khắc bỏ phiếu vào thùng phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở thành phố Aachen, bang Nordrhein-Westfalen.

[Bầu cử Quốc hội Đức: Gay cấn đến phút chót cuộc đua 'tam mã']

Theo Cơ quan Bầu cử liên bang, cử tri phải gấp lá phiếu sao cho bên ngoài không nhận biết cử tri tích chọn cho ứng cử viên hay đảng nào, trường hợp ngược lại, ban bầu cử có thể khước từ lá phiếu của cử tri đó.

Hiện chưa rõ trường hợp của ông Laschet sẽ được xử lý như thế nào. Trong khi đó tại Berlin, ghi nhận thực tế của phóng viên TTXVN cho thấy tại nhiều điểm bầu cử tại các quận như Lichtenberg hay Prenzlauer Berg, cử tri phải xếp hàng dài chờ để tới lượt vào điểm bỏ phiếu.

Sự cố về phiếu bầu cũng đã xảy ra ở Berlin do nhầm lẫn phiếu giữa các quận Friedrichshain/Kreuzberg và Charlottenburg/Wilmersdorf. Cụ thể, phiếu bầu từ quận Charlottenburg/Wilmersdorf đã bị chuyển nhầm tới một số điểm bầu cử thuộc quận Friedrichshain. Những điểm bầu cử này đã phải tạm đóng cửa để chuyển lại phiếu bầu.

Trong buổi sáng bầu cử, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và các ứng cử viên thủ tướng cũng đã thực hiện bỏ phiếu bầu cử. Đây là những điểm bầu cử mà các ứng cử viên đăng ký tranh cử một suất trực tiếp vào Quốc hội liên bang.

Theo ước tính, khoảng 650.000 tình nguyện viên Đức đã được bố trí đến 299 khu vực bầu cử để hỗ trợ tại 88.000 điểm bỏ phiếu trên cả nước, phát phiếu và kiểm phiếu sau khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc.

Các điểm bầu cử sẽ đóng cửa vào 18 giờ ngày 26/9. Kết quả bỏ phiếu sơ bộ sẽ được công bố sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, dựa vào kết quả các cuộc thăm dò bên ngoài phòng phiếu.

Tuy nhiên, tiến trình kiểm phiếu sẽ diễn ra trong suốt đêm và sau khi kết thúc, nhân viên phòng phiếu sẽ chuyển kết quả này lên ủy ban bầu cử liên bang.

Thông thường phải mất vài tuần kết quả bầu cử chính thức mới được công bố. Năm 2017, cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 24/9, nhưng đến ngày 12/10, kết quả cuối cùng mới được công bố. Năm 2013, cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 22/9 và kết quả được công bố vào ngày 9/10.

Quốc hội mới được bầu phải triệu tập chậm nhất là 30 ngày sau cuộc bầu cử. Sau cuộc bầu cử, các đảng lớn nhất sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán thăm dò thành lập liên minh cầm quyền - một quá trình có thể kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục