Bầu cử Pháp: 11 ứng cử viên tranh luận trực tiếp trên truyền hình

Lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống Pháp, 11 ứng cử viên tranh cử tổng thống đã cùng tham gia cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình.
Các ứng cử viên Tổng thống Pháp tại phiên tranh luận trực tiếp trên truyền hình. (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống Pháp, 11 ứng cử viên tranh cử tổng thống đã cùng tham gia cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình.

Cuộc tranh luận bắt đầu vào lúc 20 giờ 40 tối 4/4 (theo giờ địa phương) được phát trực tiếp trên các kênh BFMTV và Cnews. Trong hơn 3 giờ, các ứng cử viên đã tập trung trả lời các câu hỏi liên quan đến ba chủ đề chính là tạo công ăn việc làm, bảo vệ người dân Pháp và các giải pháp thực hiện mô hình xã hội đã cam kết. Đây là những thách thức đặt ra đối với nhà lãnh đạo tương lai của nước Pháp, yêu cầu các ứng cử viên phải đưa ra câu trả lời và giải pháp cụ thể.

Đây là cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ hai, nhưng là cuộc tranh luận đầu tiên giữa 11 ứng cử viên do tại cuộc tranh luận lần thứ nhất vào ngày 20/3, kênh TF1 chỉ mời 5 ứng viên "nặng ký", những luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò tham gia. Đối với đa số ứng cử viên và nhiều người dân Pháp, việc toàn bộ 11 ứng cử viên cùng có mặt trên trường quay, có thời lượng tương đương để trình bày quan điểm cá nhân về các chủ đề cốt lõi, được coi là "biểu hiện của sự dân chủ" vì mỗi ứng cử viên đều đại diện cho một bộ phận cử tri thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội Pháp.

Các ứng cử viên tham gia cuộc tranh luận gồm bà Marine Le Pen, ứng viên đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) ; ông Emmanuel Macron, nhà lãnh đạo của phong trào Tiến bước ; cựu Thủ tướng François Fillon đại diện cho cánh hữu và đảng Những người Cộng hòa (LR) ; nhà lãnh đạo phong trào cực tả Nước Pháp bất khuất Jean-Luc Mélenchon; ông Benoit Hamon, thuộc đảng cánh tả Xã hội (PS) và đảng Xanh.

Ngoài những gương mặt nổi bật nói trên, sáu ứng cử viên còn lại gồm Nicolas Dupont-Aignan, Chủ tịch đảng Nước Pháp đứng lên, Nathalie Arthaud, nhà lãnh đạo của đảng Công nhân tranh đấu, François Asselineau, Chủ tịch đảng Liên minh nhân dân, Philippe Poutou đại diện cho Đảng mới chống chủ nghĩa tư bản, Jean Lassalle, Chủ tịch đảng Résistons (Kháng cự) và Jacques Cheminade, Chủ tịch đảng Đoàn kết và Tiến bộ. Các ứng cử viên này người đại diện cho các đảng phái trải rộng từ cực hữu tới cực tả.

Vào thời điểm chỉ còn cách cuộc bầu cử vòng một 19 ngày, cuộc tranh luận có ý nghĩa sống còn đối với các ứng cử viên để thuyết phục cử tri về chương trình tranh cử của mình, đặc biệt trong bối cảnh khoảng 1/3 số cử tri Pháp cho biết sẽ không đi bỏ phiếu tại vòng một cuộc bầu cử tổng thống trong khi thông thường, tỷ lệ này là 80%.

Bên cạnh đó, số cử tri tuyên bố chưa lựa chọn được ứng cử viên để bỏ phiếu hoặc đã lựa chọn nhưng vẫn có thể thay đổi quan điểm hiện đang ở mức cao kỷ lục.

Theo cuộc thăm dò do Viện BVA tiến hành, tỷ lệ này là 38% trong khi cuộc thăm dò do Ifop tiến hành là 31%.

Tại cuộc tranh luận ngày 20/3 vừa qua, các ứng cử viên đã trình bày quan điểm về 17 chủ đề khác nhau như giải quyết vấn đề thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế, cải cách thể chế, bảo đảm an ninh đi cùng với việc giải quyết bài toán nhập cư, chính sách ngoại giao…

So với cuộc tranh luận trước, các chủ đề được trình bày và thảo luận lần này là những chủ đề thiết thực, gắn liền hơn với cuộc sống của người dân và cũng đề cao hơn tính khả thi của chương trình tranh cử chứ không dừng lại ở những cam kết tốt đẹp nhưng khó thực hiện trong thực tế. Mặc dù những người dẫn chương trình đã liên tục nhắc nhở các ứng cử viên là tập trung vào trình bày quan điểm, mặc dù vậy, những công kích về vấn đề cá nhân là không tránh khỏi trong quá trình thảo luận.

Trong số các ứng cử viên, nhà lãnh đạo của phong trào Tiến bước Emmanuel Macron, cựu Thủ tướng François Fillon và bà Marine Le Pen là những người bị các đối thủ tập trung chỉ trích nhiều nhất. Đây cũng là những ứng cử viên luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò.

Trong con mắt của các ứng cử viên cánh tả và cực tả, ứng cử viên Emmanuel Macron là đại diện cho giới tư bản do đã có thời gian làm việc tại ngân hàng Rothschild và hiện đang nhận được sự tài trợ của giới doanh nghiệp. Còn cựu Thủ tướng François Fillon và bà Marine Le Pen thì bị chỉ trích về những vấn đề liên quan đến đạo đức do đang vướng vào các bê bối liên quan đến "tạo việc làm giả" và "lạm dụng công quỹ" và hiện đang bị cơ quan tư pháp tiến hành điều tra.

Cuộc tranh luận diễn ra căng thẳng, song không có sự đột phá. Quan điểm của các ứng cử viên rất khác nhau về các giải pháp cho các vấn đề nan giải của nước Pháp hiện nay. Ngoài ra, việc có quá nhiều ứng cử viên trình bày, với thời lượng được khống chế khiến khán giả khó nắm bắt được nội dung chính.

Trước khi diễn ra cuộc tranh luận, báo chí Pháp đặt câu hỏi liệu cuộc tranh luận có làm thay đổi tỷ lệ ủng hộ các ứng cử viên. Theo cuộc thăm dò do hãng Opinionway tiến hành cho báo Les Echos, công bố ngày 4/4, bà Le Pen về nhất với tỷ lệ ủng hộ là 26% tại cuộc bầu cử tổng thống vòng một. Ứng cử viên Emmanuel Macron ổn định với 24%, đứng ở vị trí thứ hai; ứng cử viên François Fillon nhận được 20% sự ủng hộ (+1%) đứng thứ ba.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc thăm dò đã không dự đoán chính xác kết quả bầu cử tổng thống Mỹ và cuộc bỏ phiếu về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), cũng như việc hai ứng cử viên yêu thích của cánh hữu cũng như cánh tả của Pháp là các cựu Thủ tướng là Alain Juppé và Manuel Valls đều bị loại tại các vòng bầu cử sơ bộ, dư luận Pháp tỏ ra hoài nghi kết quả các cuộc thăm dò dư luận.

Thực tế các cuộc bầu cử trước đây cho thấy nhiều cử tri bỏ phiếu cho một ứng cử viên không phải xuất phát từ niềm tin dành cho ứng cử viên đó mà trong nhiều trường hợp là nhằm bày tỏ sự giận dữ đối với nền chính trị Pháp nói chung. Với thực tế này, các cuộc thăm dò sẽ có nhiều sai số và kết quả cuộc bầu cử trở nên khó đoán định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục