Bầu cử ở Iran: Các chính khách theo đường lối dân tộc chiếm ưu thế

Cuộc bầu cử của quốc hội Iran được đánh giá là một phép thử mang tính quyết định về thế đa số của những người theo đường lối bảo thủ cứng rắn tại nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tại điểm bầu cử ở Tehran ngày 21/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 22/2, Đài Truyền hình nhà nước Iran đưa tin, các cơ quan chức năng nước này đã bắt đầu tiến hành công tác kiểm phiếu trong cuộc bầu cử của quốc hội, với kết quả sơ bộ cho thấy các chính khách, chính đảng theo đường lối dân tộc của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei dường như sẽ giành được đa số đáng kể.

Các cơ quan chức năng Iran đến nay vẫn chưa chính thức công bố số cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử 290 ghế trong quốc hội nước này được tổ chức hôm 21/2.

Đây được đánh giá là một phép thử mang tính quyết định về thế đa số của những người theo đường lối bảo thủ cứng rắn tại nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Tuy nhiên, một số kết quả sơ bộ được Bộ Nội vụ Iran công bố cho thấy, những nhân vật trung thành với đường lối cứng rắn với lãnh tụ tối cao Khamenei sẽ giành được thế đa số trong quốc hội.

Đài Truyền hình nhà nước Iran cho hay đến nay, 42 ghế trong quốc hội đã được xác định.

[Iran ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong do COVID-19]

Theo hãng tin Anh Reuters, hơn 80% trong số những người này là các nhân vật trung thành với ông Khamenei.

Tại cuộc bầu cử lần này, hơn 7.000 ứng cử viên tranh cử vào quốc hội 290 ghế với nhiệm kỳ 4 năm của Iran.

Theo luật định, người thắng cử phải giành được ít nhất 20% số phiếu ủng hộ tại điểm bầu cử của họ. Trong trường hợp vẫn còn ghế quốc hội chưa được xác định do các ứng cử viên không hội đủ số phiếu cần thiết, cuộc bầu cử vòng hai sẽ diễn ra vào tháng Tư tới.

Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh Iran đang phải gồng mình chống chọi với các lệnh trừng phạt từ Mỹ, khi những căng thẳng giữa Tehran và Washington liên tục leo thang suốt cả năm 2019.

Nền kinh tế Iran đã sụt giảm 9,5% trong năm ngoái, tỷ lệ lạm phát lên tới 35%, trong khi xuất khẩu dầu mỏ, nguồn thu chủ lực của Tehran, giảm mạnh từ 2,1 triệu thùng/ngày vào năm 2016 xuống chỉ còn khoảng 500.000 thùng/ngày hiện nay.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo nền kinh tế Iran sẽ không tăng trưởng trong năm nay và chỉ tăng 1% trong năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục