Theo phóng viên TTXVN tại Anh, kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy cả đảng Bảo thủ cầm quyền lẫn Công đảng đối lập đều khó có khả năng giành được đa số ghế để có thể tự thành lập chính phủ.
Sự thiếu bứt phá của hai chính đảng lớn nhất Anh đang tạo cơ hội cho các đảng nhỏ nắm vai trò quyết định cán cân quyền lực trong tổng tuyển cử vào ngày 7/5 tới.
Dù có truyền thống là chính đảng lớn thứ ba tại Anh song uy tín của đảng Dân chủ Tự do của Phó Thủ tướng Nick Clegg đã suy giảm mạnh kể từ khi tham gia chính phủ liên minh với đảng Bảo thủ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2010.
Trong các cuộc thăm dò trước bầu cử, đảng Lib Dem hiện đã tụt xuống vị trí thứ tư về tỷ lệ ủng hộ của cử tri và có thể chỉ còn giữ được hơn 20 ghế sau cuộc bầu cử tới, so với 57 ghế giành được ở cuộc bầu cử năm 2010.
Với hy vọng có thể thu hút sự ủng hộ của tầng lớp cử tri nghèo, các chiến lược gia tranh cử của LibDem đã soạn cho ông Clegg một cương lĩnh tranh cử nhấn mạnh tới một xã hội công bằng hơn, trong đó ưu tiên các chính sách dân sinh như tăng giờ trông miễn phí trẻ dưới 2 tuổi cho các gia đình có bố mẹ đi làm, mở rộng chương trình bữa ăn miễn phí cho tất cả học sinh tiểu học, đầu tư thêm 8 tỷ bảng mỗi năm cho Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) đến năm 2020, xây thêm 300.000 nhà mới mỗi năm...
Các chính sách này tương đối giống với cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ và LibDem hy vọng rằng họ có thể thuyết phục được những cử tri còn do dự chưa biết bỏ phiếu cho đảng nào.
Lib Dem tin rằng đảng Bảo thủ sẽ phải chọn đảng này để liên minh nếu giành chiến thắng ở cuộc bầu cử sắp tới.
Trái với sự sa sút của Lib Dem, đảng Dân tộc Scotland (SNP) đang nổi lên như một hiện tượng ở cuộc đua giành ghế trong Điện Westminster (Quốc hội Anh) năm nay.
Từ việc chỉ chiến thắng tại 6 trong số 59 đơn vị bầu cử tại Scotland, SNP của nữ Thủ lĩnh Nicola Sturgeon đang được dự báo có thể giành được tới 55 ghế (dựa trên kết quả thăm dò hai tuần trước ngày bầu cử).
Số lượng thành viên SNP đã tăng gấp 4 lần lên 100.000 người kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho Scotland hồi tháng 9 năm ngoái và các cuộc thăm dò cho thấy đảng này hiện dẫn Công đảng tại Scotland tới 20 điểm.
Trong cương lĩnh tranh cử của đảng mình, bà Sturgeon cam kết rằng nếu giành được ảnh hưởng tại Điện Westminter, SNP sẽ đại diện quyền lợi của mọi cử tri trên toàn nước Anh chứ không chỉ cho riêng xứ Scotland. Bà cũng ngỏ lời sẵn sàng giúp Công đảng giành chiến thắng trước đảng Bảo thủ.
Các cuộc thăm dò dư luận trong ngày 22/4 cho thấy nếu bầu cử diễn ra ngay lúc này, Công đảng sẽ giành được 271 ghế và kết hợp với 55 ghế của SNP là vừa đủ để thành lập chính phủ đa số.
Thủ lĩnh Công đảng, ông Ed miliband hiện chưa đưa ra phản ứng nào trước lời đề nghị của lãnh đạo SNP nhưng khả năng liên minh giữa hai chính đảng này hoàn toàn có thể xảy ra nếu Công đảng giành được nhiều ghế nhất sau ngày 7/5 tới.
Một đảng nhỏ nữa có thể làm thay đổi chính trường Anh chính là đảng Độc lập Anh (UKIP) của Thủ lĩnh Nigel Farage.
Chủ trương chống Liên minh châu Âu (EU) và nhập cư của UKIP đã đánh trúng tâm lý một bộ phận cử tri Anh không muốn bị ràng buộc với EU và bức xúc với điều luật cho phép công dân các nước thành viên EU tự do đi lại khiến tỷ lệ ủng hộ chính đảng theo chủ nghĩa dân tộc này ngày càng cao ở Anh.
Theo kết quả thăm dò mới nhất, UKIP có thể giành được 4 ghế trong cuộc bầu cử sắp tới và rất có thể đảng Bảo thủ sẽ phải liên minh với cả UKIP trong quá trình thành lập chính phủ mới nếu chiến thắng./.