Bầu cử Nghị viện châu Âu: Một chiến thắng nữa của Thủ tướng Italy

Thủ tướng Giorgia Meloni và đảng Anh em Italy (FdI) cánh hữu của bà giành chiến thắng lớn, bỏ xa các đối tác trong liên minh cầm quyền như đảng Liên đoàn (Lega) và đảng Forza Italia (FI) trung hữu.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu tại điểm bầu cử ở Rome, ngày 8/6/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chiều 8/6, cử tri Italy bắt đầu bỏ phiếu để bầu ra 76 ghế trong Nghị viện châu Âu mới, cùng các cuộc bầu cử địa phương tại hơn 3.700 đô thị và vùng Piedmont.

Các điểm bỏ phiếu trên khắp Italy mở cửa từ 15 giờ ngày 8/6, với tổng cộng 12 đảng tham gia ứng cử trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Thủ tướng Giorgia Meloni và đảng Anh em Italy (FdI) cánh hữu của bà đang trên đường giành chiến thắng lớn, tiếp tục bỏ xa các đối tác trong liên minh cầm quyền như đảng Liên đoàn (Lega) chống người di cư và đảng Forza Italia (FI) trung hữu.

Thủ tướng Meloni duy trì được tỷ lệ ủng hộ ổn định kể từ khi trở thành Thủ tướng vào tháng 10/2022, một phần nhờ phe đối lập trung dung và cánh tả bị chia rẽ, cũng như sự sụt giảm ủng hộ đối với 2 đảng còn lại trong liên minh cầm quyền.

Kết quả cuộc thăm dò lớn mới nhất của Euronews, được công bố ngày 5/6, cho thấy FdI có khả năng giành được 27,2% số phiếu bầu, gấp hơn 3 lần so với con số 9,1% của Lega và 8,1% của FI.

Đứng thứ 2 là đảng Dân chủ trung tả (PD) đối lập với 20,6%, thứ 3 là Phong trào năm sao (M5S) với 15,7%, trong khi tỷ lệ ủng hộ các đảng còn lại đều dưới 4,5%.

Thủ tướng Meloni, người đứng đầu Nhóm bảo thủ và cải cách châu Âu (ECR), đích thân lãnh đạo chiến dịch tranh cử của đảng mình với mục tiêu đạt được tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao để giành được càng nhiều ghế càng tốt và tác động đến việc hình thành các liên minh trong Nghị viện châu Âu tương lai.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Maurizio Scordino nói: “Tôi đã bỏ phiếu cho bà Giorgia Meloni và đảng FdI vì tôi hoàn toàn nhất trí với các giải pháp của Thủ tướng về nhập cư. Tôi hy vọng các đại biểu trong Nghị viện mới sẽ hoàn thành chương trình họ đã đưa ra. Ở châu Âu, tôi thấy rằng Italy đang được tôn trọng hơn.”

Tuy nhiên, trước khi có thể trở thành một người môi giới quyền lực tại Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Meloni cần phải vượt qua hai trở ngại ở trong nước.

Một là Phó Thủ tướng Matteo Salvini, người đứng đầu đảng Lega thuộc Nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID) của nhà lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen, với cương lĩnh tranh cử thiên hữu hơn.

Hai là khả năng cánh tả được củng cố. Nếu PD, một thành viên của nhóm Xã hội và Dân chủ (S&D), có thể tìm thấy điểm chung với M5S, phong trào do cựu Thủ tướng Giuseppe Conte lãnh đạo, thì các lực lượng cánh tả và trung tả có thể tạo ra một cấu trúc mạnh mẽ trong bối cảnh chính trị rạn nứt của Italy.

Cử tri Italy có thể bỏ phiếu cho đến tận 23 giờ ngày 9/6, khi cuộc bầu cử tại những nơi khác ở châu Âu đã kết thúc. Các kết quả sơ bộ sẽ được công bố sau đó.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN về những kỳ vọng đối với Nghị viện châu Âu mới, ông Claudio Protasi nói: “Với nghị viện mới, tôi hy vọng có thêm sự đoàn kết ở châu Âu bởi hiện vẫn còn rất nhiều người đang trải qua khó khăn, thậm chí trong hoàn cảnh nghèo đói và cần sự trợ giúp của cộng đồng. Tôi hy vọng về một châu Âu với những ý tưởng có thể đảm bảo cuộc sống cho tất cả người lao động.”

Còn bà Cinzia Scuto nói: “Ở Italy, chúng tôi rất coi trọng việc làm, gia đình và sức khỏe. Chúng tôi rất tin tưởng vào những người lãnh đạo sắp tới ở châu Âu, những đại diện đầy năng động của một thế hệ mới, có thể đáp ứng được mong muốn của chúng tôi.”

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu được cho là không ảnh hưởng đến chính trị quốc gia, nhưng thực tế lại rất khác, đặc biệt là ở Italy.

Thủ tướng Meloni đang hy vọng kết quả bỏ phiếu sẽ thắt chặt sự kiểm soát của bà đối với chính trường Italy.

Bà Meloni thậm chí còn kêu gọi cử tri “chỉ viết Giorgia” (tên của bà) trên lá phiếu của họ. Lý do là cuộc bầu cử này có thể giúp định hình hướng đi tương lai của Italy, cũng như đánh giá sức nóng của các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu và tương lai của Thỏa thuận xanh châu Âu, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, di cư và vai trò trên toàn cầu của EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục