Bầu cử Mỹ: Những điều không thể đảo ngược trong quan hệ Mỹ-EU

Deutsche Welle đăng bài quan hệ Mỹ-EU dưới thời ông Joe Biden nếu chính trị gia này là chủ nhân Nhà Trắng vào tháng 1/2021, với nhan đề “Joe Biden-châu Âu: Niềm vui trước một đối tác không dễ chịu."
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump (phải) trong chiến dịch tranh cử ở Jacksonville, Florida ngày 24/9 vừa qua và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu tại một sự kiện ở Charlotte, North Carolina ngày 25/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Deutsche Welle mới đây đăng bài phân tích về mối quan hệ Mỹ-châu Âu dưới thời ông Biden nếu chính trị gia này chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng vào tháng 1/2021 tới, với nhan đề “Joe Biden và châu Âu: Niềm vui trước một đối tác không dễ chịu.”

Bài phân tích đánh giá rằng lợi thế của ứng cử viên Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng đã mang lại niềm vui cho nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, trong một số vấn đề, người châu Âu có thể sẽ phải tranh luận với ông Joe Biden nhiều hơn là với đương kim Tổng thống Donald Trump.

Niềm vui đối với EU

Giới phân tích nhìn nhận lợi thế của ông Biden hiện nay sẽ có ích cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trái ngược với cuộc bầu cử của ông Trump bốn năm trước, các cố vấn ở Paris cũng như các nước khác ở châu Âu đều có thể nhận thức rất rõ về tình hình, bởi không có một ứng viên Tổng thống nào khác sẽ nhậm chức với nhiều kinh nghiệm về chính sách đối ngoại như ông Biden.

Các nhà lãnh đạo EU kỳ vọng ông Joe Biden nếu trở thành Tổng thống Mỹ sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, mang tính thiện chí và hợp tác sau những bất ổn và căng thẳng dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz phát biểu với Financial Times rằng: “Đây là một cơ hội tốt để phục hồi thực sự chủ nghĩa đa phương” và “EU phải đối mặt với rất nhiều thách thức, nhưng chúng tôi có thể giải quyết chúng thành công hơn khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ.”

Thực tế là, ngay cả trong thời gian là thượng nghị sỹ, ông Biden đã quan tâm đến chính sách đối ngoại và vào đầu những năm 1990, ông đã viết một nghiên cứu có tầm nhìn xa về các cuộc chính tranh tại Balkan. Với tư cách là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Barrack Obama, ông Biden đã là khách mời tại Hội nghị An ninh Munich, diễn đàn thảo luận lớn xuyên Đại Tây Dương.

Bên cạnh đó, chính trị gia được truyền thông Mỹ cho rằng sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của nước này đã lên kế hoạch giải quyết một vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng ngay sau khi chính thức giành chiến thắng, đó là việc tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Quyết định trái ngược này đã được hoan nghênh trên toàn thế giới, và đối với Pháp thì quyết định có một ý nghĩa đặc biệt bởi Hiệp định này đã được ký tại Paris.

[Bầu cử Mỹ 2020: Bang Georgia thông báo kiểm lại toàn bộ phiếu]

Việc quay lại chủ nghĩa đa phương mà ông Biden hứa hẹn là hoàn toàn vì lợi ích của các đối tác châu Âu. Do đó, ngày đầu tiên của ông Joe Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ nếu có sẽ mang lại sự hài lòng ở châu Âu. Ngoài việc quay trở lại thỏa thuận khí hậu, ông Biden cũng muốn đảo ngược việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong chính sách của Iran cũng vậy, ông muốn đoạn tuyệt với chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump và trong mối quan hệ hợp tác với châu Âu, ông Biden muốn Mỹ kích hoạt lại thỏa thuận hạt nhân với các quốc gia.

Giờ đây, châu Âu đang kỳ vọng quan hệ giữa châu Âu và Mỹ sẽ trở lại trạng thái như trước thời kỳ ông Donald Trump lãnh đạo nước Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Norbert Rottgen cho biết: “Chúng tôi sẽ một lần nữa quay trở lại giải quyết các vấn đề với nhau trên cơ sở tìm được tiếng nói chung.”

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề cấp tới “mối quan hệ đối tác mới” giữa Mỹ và EU, đồng thời nói thêm rằng các liên kết xuyên Đại Tây Dương là “trụ cột của sự ổn định, an ninh và thịnh vượng” ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương.

Những chính sách không thể thay đổi

Tuy nhiên, EU không nên ảo tưởng quá nhiều vào sự thay đổi của nhanh chóng của Mỹ. Bởi một Tổng thống Mỹ sẽ phải ưu tiên giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ trong thời gian đầu.

Theo giới chuyên gia, các cố vấn chính sách đối ngoại của ông Biden đã thông báo những ưu tiên này trong chiến dịch tranh cử. Với kết quả bầu cử giằng co và hơn 70 triệu phiếu bầu cho ông Donald Trump, việc tập trung vào tình hình chính trị trong nước của Mỹ sẽ là nhiệm vụ quan trọng.

Đại dịch COVID-19 nằm ngay hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Biden, cũng như chính sách kinh tế. Trong bài phát biểu hôm 8/11, bảo vệ khí hậu nổi lên như một vấn đề chính sách đối ngoại duy nhất của ông Biden.

Ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo tại Wilmington, bang Delaware ngày 6/11 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người châu Âu phải tính toán rằng quan hệ với Mỹ sẽ giảm đi đáng kể dưới thời ông Biden. Về nội dung, cũng sẽ có sự tiếp nối nhất định chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump về vấn đề chính sách đối ngoại, trong khi sự miễn cưỡng về quân sự của Mỹ cũng sẽ không thay đổi dưới thời ông Biden. Trong quá khứ, ngay cả dưới thời Tổng thống Obama, ông cũng đã yêu cầu xin rút quân nhanh chóng khỏi Iraq.

Đối với ông Biden, châu Âu không phải là khu vực quyết định của thế giới về chính sách đối ngoại. Washington chủ yếu nhìn vào châu Á và coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng. Sự phát triển này đã trở nên rõ ràng dưới thời ông Obama.

Trong khi đó, các nhà quan sát cũng chỉ ra rằng nếu ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ, ông thậm chí có thể trở thành một đối tác khó chịu hơn cả người tiền nhiệm. Cũng giống như Tổng thống Donald Trump, ông Biden sẽ tiếp tục thúc đẩy người châu Âu chi tiêu cao hơn cho quân sự và sẽ nhắc nhở châu Âu về cam kết của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho lĩnh vực này.

Khi giới truyền thông xướng tên ông Biden trở thành Tổng thống tiếp theo của Mỹ, người châu Âu sẽ trông đợi trong cuộc chiến sức mạnh với Trung Quốc. Dù vậy, vẫn còn phải xem liệu người châu Âu, những người cho đến nay chủ yếu coi Trung Quốc là một thị trường bán hàng và đối tác thương mại, có thực hiện được điều này hay không.

Trong khi đó về chính sách kinh tế, xung đột với Chính quyền mới của Mỹ có thể dễ nảy sinh. Pháp là quốc gia EU đầu tiên áp thuế đặc biệt đối với các công ty Internet lớn của Mỹ vào tháng 12 tới. Sau đó là tranh chấp về các khoản trợ cấp bất hợp pháp của nhà nước dành cho hãng chế tạo máy bay Boeing.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cho phép EU áp thuế hàng tỷ USD đối với Mỹ. Do đó, khả năng xảy ra xung đột trong khu vực này là rất lớn - đặc biệt là quan điểm của ông Biden cũng hướng đến việc theo đuổi chính sách kinh tế bảo hộ. Chính trị gia cho biết, ông đã có kế hoạch bắt buộc các nhà chức trách Mỹ sử dụng hàng hóa và dịch vụ "Made in USA" (Sản xuất tại Mỹ).

Tổng thống Donald Trump sẽ ở lại Nhà Trắng trong ít nhất hai tháng rưỡi nữa. Trong khi đó, các chính phủ ở châu Âu có thể bắt đầu cảm thấy nhẹ nhõm với những chỉ số bầu cử nghiêng về phía ứng cử viên Joe Biden, bởi nếu ông Trump tiếp tục tại vị, việc Mỹ rút khỏi NATO hoặc rút quân khỏi NATO sẽ nằm trong chương trình nghị sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục