Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Số lượng cựu quân nhân được bầu cao kỷ lục

Đã có ít nhất 78 người trong số hơn 170 ứng cử viên là cựu quân nhân thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thắng cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vừa qua.
Ông Brian Mast, cựu chuyên gia về chất nổ đã mất hai chân khi giẫm phải một thiết bị nổ tại Afghanistan. (Nguồn: palmbeachpost.com)

Trong số những người giành ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vừa qua, có hàng chục cựu quân nhân. Thực tế này mang nhiều ý nghĩa đối với nước Mỹ.

Theo ông Seth Lynn, nhà sáng lập Tổ chức Cựu binh tranh cử với mục đích khuyến khích cựu quân nhân tham gia chính trường, đã có ít nhất 78 người trong số hơn 170 ứng cử viên là cựu quân nhân thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thắng cử đợt này. Trong số này, ít nhất 16 cựu quân nhân lần đầu tiên có ghế tại Hạ viện. Đây là con số cao nhất trong 8 năm qua.

Dù kết quả cuối cùng vẫn chưa được công bố, nhưng đến nay có thêm ít nhất ba nữ cựu quân nhân mới, nối dài danh sách các nữ nghị sỹ từng tham gia quân ngũ tại Quốc hội lên con số 7 - cao nhất từ trước đến nay. Đảng Dân chủ có thêm ít nhất 3 ghế, trong khi đảng Cộng hòa mất 6 ghế ở nhóm ứng cử viên này.

Có thể kể đến những cái tên như ông Brian Mast, cựu chuyên gia về chất nổ đã mất hai chân khi giẫm phải một thiết bị nổ tại Afghanistan, hay ông Dan Crenshaw, một cựu đặc nhiệm SEAL Hải quân, đã mất một mắt trong vụ nổ bom cũng ở chiến trường Afghanistan.

Cựu phi công Hải quân, Mikie Sherrill , sẽ là đại diện của bang New Jersey, nơi từng là "thành trì" của đảng Cộng hòa trong nhiều thập kỷ.

[Nhìn lại các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của nước Mỹ trong 20 năm qua]

Số lượng cựu quân nhân tham gia chính trường và giành ghế tại hai viện Quốc hội Mỹ trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua đã phần nào tô điểm thêm màu sắc đa dạng cho Quốc hội lưỡng viện, vốn đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhóm nghị sỹ này.

So với đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, số nghị sỹ là các cựu quân nhân tại Quốc hội Mỹ hiện nay đã giảm từ mức 70% xuống còn 20%.

Ông Seth Lynn nhận định: "Chúng ta vừa bầu vào quốc hội một số lượng kỷ lục những người từng tham chiến tại Iraq và Afghanistan, và chứng kiến sự hiện diện của nữ cựu binh đông đảo nhất từ trước tới nay tại cơ quan lập pháp."

Ông nhấn mạnh: "Đuốc đã được chuyển giao cho thế hệ cựu binh hậu 11/9 (ám chỉ các vụ tấn công khủng bố 11/9/2001)."

Về phần mình, bà Ellen Zeng, nữ phát ngôn viên Ủy ban Hành động chính trị With Honor, chuyên gây quỹ ủng hộ các ứng cử viên là cựu quân nhân, cho biết nhóm các chính khách này đem theo một lời kêu gọi mạnh mẽ trong một nước Mỹ đang bị chia rẽ và phân cực sâu sắc.

Bà nói: "Các cựu quân nhân thề ủng hộ và bảo vệ hiến pháp. Họ biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân. Khi họ phục vụ, thì nhiệm vụ là trên hết."

Trong khi đó, người quản lý Chương trình Công dân Mỹ tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, bà Rebecca Burgess nhận định các cựu binh sẽ đóng góp những kinh nghiệm thực tế của họ vào quá trình hoạch định chính sách an ninh quốc gia.

Họ sẽ giám sát tổng thống chặt chẽ hơn và quan tâm đến việc liệu các binh sỹ đã có đủ các nguồn lực cần thiết và được huấn luyện đầy đủ để tác chiến hiệu quả hay không, cũng như quyết định khi nào nên tham chiến và sử dụng vũ lực như thế nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục