Bầu cử Afghanistan: Ứng cử viên Abdullah đồng ý kiểm phiếu lại

Ông Abdullah Abdullah đã quyết định ngừng phản đối việc kiểm phiếu lại ở 7 tỉnh miền Bắc, một động thái giúp dỡ bỏ trở ngại đối với việc công bố kết quả bầu cử cuối cùng.
Ứng viên Tổng thống Afghanistan Abdullah Abdullah bên những người ủng hộ trong chiến dịch vận động tranh cử ở tỉnh miền Tây Herat ngày 24/9/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 13/12, ứng viên tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan hồi tháng Chín vừa qua, ông Abdullah Abdullah đã quyết định ngừng phản đối việc kiểm phiếu lại ở 7 tỉnh miền Bắc, một động thái giúp dỡ bỏ trở ngại đối với việc công bố kết quả bầu cử cuối cùng.

Việc công bố kết quả bầu cử đã bị hoãn nhiều lần, với lý do chính thức là do các vấn đề kỹ thuật.

Ông Abdullah đã phản đối kiểm phiếu lại ở các tỉnh trên, yêu cầu ủy ban bầu cử trước hết phải hủy bỏ khoảng 300.000 phiếu mà ông cáo buộc là "gian lận" trong tổng số 1,8 triệu phiếu bầu.

Tuy nhiên, phát biểu với báo giới ngày 13/12, ông Abdullah tuyên bố: "Tôi kêu gọi người dân Afghanistan hãy để việc kiểm phiếu lại được tiến hành tại 7 tỉnh (trong tổng số 34 tỉnh)."

Ông cũng nhấn mạnh "hiện nay xung đột và vấn đề là giữa sự gian lận và minh bạch - một bên gian lận và bên kia muốn minh bạch."

Trong cuộc bầu cử tại Afghanistan ngày 28/9 vừa qua, Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani và ông Abdullah - quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan - là hai ứng cử viên hàng đầu.

Nếu không ứng cử viên nào giành được hơn 50% số phiếu ủng hộ, bầu cử vòng hai sẽ diễn ra.

Ngày 30/9, ông Abdullah đã tuyên bố thắng cử trước khi có kết quả chính thức, đồng thời khẳng định Afghanistan sẽ không cần bỏ phiếu vòng hai.

Tuy nhiên, giới chức cấp cao của Ủy ban bầu cử độc lập nhấn mạnh không ứng cử viên nào được tự tuyên bố thắng cử và luật pháp quy định Ủy ban bầu cử là có quyền quyết định ai là người chiến thắng.

Dư luận lo ngại nguy cơ tái diễn khủng hoảng từng xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống ở Afghanistan năm 2014. Khi đó, cũng hai ứng cử viên này chạy đua sát sao và nhiều cáo buộc gian lận được đưa ra khiến Mỹ phải đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận chia sẻ quyền lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục