Bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp

Tại Kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa IX, ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong chúc mừng Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Ngày 8/12, tại Kỳ họp thứ 17, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa IX, đã tiến hành biểu quyết miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đối với ông Trần Anh Dũng (về hưu trước tuổi); miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối với ông Nguyễn Văn Dương và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối với ông Nguyễn Thanh Hùng, nghỉ hưu theo chế độ.

Kỳ họp cũng đã tiến hành bầu Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Kết quả ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Ông Phạm Thiện Nghĩa sinh ngày 27/12/1966, quê quán xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp; trình độ chuyên môn: Thạc sỹ kinh tế, ngành Kinh doanh và Quản lý. Trước khi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, ông Nghĩa đã trải qua các chức vụ: Bí thư Huyện ủy Tháp Mười, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Kỳ họp cũng bầu ông Trần Trí Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải và ông Huỳnh Minh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hồng Ngự, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Trần Trí Quang, sinh ngày 10/07/1977 ở phường 2, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; trình độ chuyên môn: Thạc sĩ chuyên ngành Xây dựng công trình giao thông. Ông Huỳnh Minh Tuấn, sinh ngày 10/10/1980, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, là Tiến sỹ Kinh tế, chuyên ngành quản lý kinh tế.

[Ông Lê Quốc Phong được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp]

Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh quyết tâm sẽ cùng tập thể Ủy ban nhân dân tỉnh, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm để Đồng Tháp phát triển nhanh và bền vững. Đó là khẩn trương xây dựng hoàn thành và triển khai Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục phát triển kinh tế công-nông-thương trên cơ sở tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập để nâng cao sức cạnh tranh, từng bước gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm theo hướng thị trường; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào các hạ tầng trọng điểm có tác động lan tỏa; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức...

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại Kỳ họp. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh trong năm 2020, về quy mô nền kinh tế tỉnh Đồng Tháp đạt gần 87.300 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với năm 2015; xếp vào hàng khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; GRDP bình quân đầu người ước đạt 54,5 triệu đồng, gấp 1,55 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 05 năm (2016-2020) ước đạt 6,44%/năm... là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh.

Kết quả đáng ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp chính là giúp người nông dân chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “làm kinh tế nông nghiệp.” Nhiều nông sản đạt tiêu chuẩn về chất lượng và chế biến gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 45,6 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp ước đạt 8,21%/năm.

Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển khá, tăng trưởng bình quân 7,9%/năm. Du lịch đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với trên 17,5 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, tổng doanh thu đạt 4.235 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 9,24%/năm và chiếm 9,88% GRDP.

Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp,” thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực tạo lập và duy trì nhiều kênh tiếp nhận thông tin như: Mô hình “Càphê doanh nghiệp” trong khuôn viên Ủy ban nhân dân tỉnh, công khai số điện thoại, hộp thư điện tử của lãnh đạo tỉnh, tiếp nhận kiến nghị qua Cổng Thông tin điện tử tỉnh, mạng xã hội Facebook, Zalo, Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022... bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Hiện toàn tỉnh có hơn 4.200 doanh nghiệp đang hoạt động.

Bên cạnh phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng được tỉnh quan tâm thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo. Kết quả là tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,28% (tương đương mức giảm 1,74%/năm).

Chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động với mức thu nhập bình quân từ 15-27 triệu đồng/người/tháng và đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, gần 8.000 lao động xuất cảnh, số tiền gửi về nước gần 1.500 tỷ đồng...

Trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch 5 năm (2016-2020), dự báo những thuận lợi và khó khăn trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng phương án tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 là 7,5%/năm.

Kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa IX,  đã thông qua 28 dự thảo nghị quyết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục