Bầu Chủ tịch Ủy ban châu Âu: Cuộc chơi không người chiến thắng

Cuộc bầu cử Chủ tịch Ủy ban châu Âu được coi là cuộc chơi nguy hiểm vì điều đó sẽ phá hủy những điều thuộc về niềm tin còn sót lại vào EU và chỉ làm củng cố thêm các quan điểm của chủ nghĩa dân túy.
Bầu Chủ tịch Ủy ban châu Âu: Cuộc chơi không người chiến thắng ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. (Nguồn: THX/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Brussels tổng hợp báo chí tại địa bàn cho biết tuần qua, báo chí châu Âu liên tục đề cập tới việc bầu chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) và các vị trí chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU).

Theo giới quan sát, tranh luận xung quanh việc lựa chọn Chủ tịch EC đang tới hồi gay cấn. Do các quy định liên quan không rõ ràng, mỗi bên giải thích các quy định này theo hướng phù hợp với lợi ích của họ.

Đây là một cuộc chơi nguy hiểm vì điều đó sẽ phá hủy những điều thuộc về niềm tin còn sót lại vào EU và chỉ làm củng cố thêm các quan điểm của chủ nghĩa dân túy.

Một cuộc đua tranh cần phải hội đủ 3 điều kiện: Có nhiều người tranh cử; Tất cả những người tham gia có cùng một mục đích; Tất cả cùng thống nhất về các quy định tiên quyết của cuộc đua.

Trong cuộc đua vào vị trí quan trọng nhất của EU, chức Chủ tịch EC chỉ có 2 trong 3 điều kiện nêu trên được đáp ứng. Có nhiều ứng cử viên và tất cả đều muốn chuyển tới làm việc tại tầng 13 của tòa nhà Berlaymont ở Brussels.

Tuy nhiên, không một ai nhất trí về các quy định chi phối việc lựa chọn người chiến thắng trong số nhiều ứng cử viên vào chức vụ này. Và khi thiếu các quy định rõ ràng thì mỗi ứng cử viên tự đưa ra các điều kiện trong khuôn khổ lợi ích của mình.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi sự mập mờ này là nguồn gốc của mối tranh chấp và không kém phần nguy hiểm cho việc duy trì EU.

[Bắt đầu đàm phán với lãnh đạo EP về chức chủ tịch Ủy ban châu Âu]

Các nhóm chính trị tại Nghị viện châu Âu (EP) cũng như các nhà lãnh đạo đứng đầu nhà nước và chính phủ châu Âu đều đòi quyền chỉ định vị trí Chủ tịch EC.

Tuy nhiên, ngay trong các nhóm chính trị tại Nghị viện cũng chưa đạt được sự đồng thuận về phương pháp lựa chọn ứng cử viên.

Hai ứng cử viên chính thức được đề cử của hai nhóm đảng, ứng cử viên người Đức, Manfred Weber của nhóm đảng bảo thủ (PPE) và ứng cử viên người Hà Lan, Frans Timmermans, của nhóm Dân chủ-Xã hội, đều cho rằng ứng cử viên đại diện của một nhóm đảng có thể trở thành Chủ tịch EC.

Họ đều coi mọi quan điểm còn lại là đi ngược với dân chủ. Và xét cho cùng, các cử tri đã giao cho họ một nhiệm kỳ Chủ tịch EC. Đảng Xanh và nhóm đảng Dân chủ-Tự do lại nhìn vấn đề ở một góc độ khác và đề xuất luật lệ theo góc nhìn của họ: Họ không chấp nhận một ứng cử viên của một nhóm đảng có thể ngồi vào vị trí Chủ tịch EC. 

Nếu như các nhóm đảng chính trị tại EP không thống nhất về cơ chế chỉ định Chủ tịch EC thì họ lại kiên quyết phản đối một bên tham gia khác vào quá trình này: Các lãnh đạo nhà nước và chính phủ các quốc gia thành viên EU. Các vị lãnh đạo các quốc gia thành viên EU cũng không có ý định nhường quyền chỉ định Chủ tịch EC sắp tới cho một bên nào khác.

Ở đây, một lần nữa ta tiếp tục chứng kiến các lợi ích của mỗi bên cuối cùng chỉ làm xói mòn uy tín của EU.

Các cử tri châu Âu đã đi bỏ phiếu để bày tỏ ý kiến của mình, tuy nhiên, tình hình hiện nay vẫn y như trước khi bầu cử.

Các nhà bình luận chính trị châu Âu đã phải ngán ngẩm cho rằng: “Quả là một kết cục đáng hổ thẹn đối với một châu Âu tự cho mình là một nơi trú ẩn và bảo vệ nền dân chủ.”

Thay vì theo đuổi một thủ tục được xác định từ trước, mỗi bên đã ngấm ngầm tranh giành để tự phong cho mình quyền lực.

Những cuộc mặc cả được diễn ra đằng sau các phòng họp tại Brussels, làm tăng sự mất lòng tin của dân chúng vào EU. Và điều này chỉ củng cố thêm các quan điểm của chủ nghĩa dân túy, kể cả tả lẫn hữu.

Do vậy, phải cấp tốc xác định lại các quy định bắt buộc của cuộc chơi trong phân chia quyền lực.

Hiện tại, điều 17, mục 7 của hiệp ước về EU chỉ quy định: Căn cứ vào các cuộc bầu cử tại EP và sau khi đã tiến hành tham vấn, Hội đồng châu Âu quyết định theo đa số, đề xuất với EP một ứng cử viên cho chức vụ Chủ tịch EC.

Trong bối cảnh này, một điều chắc chắn là Hội đồng châu Âu đề xuất một ứng cử viên và EP có thể bác bỏ hoặc chấp nhận theo đa số tuyệt đối.

Sẽ hợp logic hơn khi các lãnh đạo đứng đầu chính phủ của các nước châu Âu ủy thác cho nhóm đảng chính trị mạnh nhất EP, cũng là phe đa số. Và khi đó, lực lượng này được phép chỉ định Chủ tịch EC - bằng cách bàn tính với những người đứng đầu chính phủ của nhóm đảng chính trị tương ứng.

Nếu nhóm đảng chính trị mạnh nhất thất bại thì nhóm đảng mạnh thứ hai sẽ được giao sứ mệnh. Tiếp theo, Hội đồng châu Âu có thể quyết định việc bổ nhiệm các vị trí cấp cao khác của EU nhằm giữ một tương quan cân bằng giữa các đảng, khu vực và giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục