Bắt quả tang đối tượng vận chuyển 17 cá thể khỉ đuôi dài không rõ nguồn gốc

Chiều 30/9, lực lượng chức năng Côn Đảo bắt giữ đối tượng vận chuyển 17 cá thể khỉ đuôi dài là động vật nguy cấp quý hiếm thuộc Nhóm IIB từ bìa rừng xuống biển chuẩn bị đưa vào đất liền tiêu thụ.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm đếm và ghi nhận 17 cá thể khỉ có trọng lượng 33,5kg. (Ảnh: Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo/TTXVN phát)

Thông tin từ ông Nguyễn Thái Hậu, Hạt phó Hạt Kiểm lâm-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm của Vườn Quốc gia Côn Đảo đã tiến hành theo dõi một số đối tượng nghi vấn, có biểu hiện vào rừng săn bắt động vật quý hiếm.

Sau thời gian theo dõi, vào khoảng 14h50 ngày 30/9, lực lượng Kiểm lâm cùng các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ đối tượng vận chuyển 17 cá thể khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) là động vật nguy cấp quý hiếm thuộc Nhóm IIB từ bìa rừng xuống biển chuẩn bị vận chuyển vào đất liền tiêu thụ.

Cụ thể, chiều 30/9, lực lượng chức năng liên ngành gồm Trạm Kiểm lâm Bến Đầm phối hợp với Đồn Công an Bến Đầm (Công an huyện Côn Đảo) và Trạm kiểm soát Biên phòng Bến Đầm (Đồn Biên phòng Côn Đảo-Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát hiện đối tượng N.M.P (sinh năm 1986, địa chỉ tạm trú tại Khu dân cư số 7, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đang vận chuyển 17 cá thể khỉ đuôi dài (10 con chết, bảy con còn sống) từ khu vực bìa rừng xuống biển chuẩn bị đưa vào đất liền tiêu thụ.

Vị trí đối tượng bị cơ quan chức năng phát hiện là khu vực cuối tuyến Bến Đầm-gần Cảng Bến Đầm. Tại thời điểm xảy ra vụ việc ông N.M.P không có hồ sơ lâm sản hợp pháp đối với số tang vật nói trên.

Hành vi của ông N.M.P đã vi phạm quy định về quản lý lâm sản. Lực lượng chức năng tiến hành kiểm đếm và ghi nhận 17 cá thể khỉ có trọng lượng 33,5kg.

Trong quá trình làm việc, đối tượng N.M.P khai nhận, đối tượng P được một người tên T (không rõ họ, tên lót) quê ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là hàng xóm của đối tượng P, thuê đưa số khỉ trên xuống bờ biển để thuê đò chở ra ghe đưa về đất liền để tiêu thụ.

Đối tượng N.M.P không biết loài khỉ này là động vật nguy cấp, quý hiếm cũng không rõ nguồn gốc.

Khi P đang đưa hai sọt màu đen bên trong có 10 con khỉ xuống bãi biển để lên đò thì bị lực lượng Kiểm lâm, Công an và Biên phòng phát hiện và giữ lại.

Do sợ quá, đối tượng P đã vứt hai sọt màu đen và bỏ chạy, sau đó mới biết là cả hai sọt này bị rớt xuống biển.

Hiện, Trạm Kiểm lâm Bến Đầm tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý đối tượng và tang vật theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Thái Hậu, Hạt phó Hạt Kiểm lâm-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý đối tượng và tang vật theo quy định của pháp luật. (Ảnh: Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo/TTXVN phát)

Căn cứ danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi nghị định 84/2021/NĐ-CP) về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), hiện nay có năm loài khỉ bản địa ở Việt Nam gồm: Khỉ mặt đỏ, Khỉ mốc, Khỉ vàng, Khỉ đuôi dài, Khỉ đuôi lợn.

Đây là các loài thuộc Bộ Khỉ Hầu thuộc Nhóm IIB, nhóm động vật nguy cấp, quý, hiếm và đang được bảo vệ.

Hành vi buôn bán, nuôi nhốt trái phép các loài này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 300 triệu đồng theo Điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt đến 12 năm tù theo quy định tại Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) tùy thuộc vào giá trị tang vật bị tịch thu.

Hạt Kiểm lâm-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo khuyến cáo hành vi buôn bán động vật hoang dã là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.

Hành vi này cần phải được xử lý triệt để. Cá nhân, tổ chức phát hiện đối tượng có hành vi này, cần tố giác với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục