Bất ổn ở Bangladesh: Khó có việc dịch chuyển ồ ạt đơn hàng dệt may

Theo Vitas, việc nhiều nhà máy dệt may ở Bangladesh phải đóng cửa có thể khiến khách hàng cân nhắc chuyển đơn đặt hàng sang các quốc gia khác nên doanh nghiệp Việt Nam sẽ một số lợi thế nhất định.

Công nhân sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Dệt May 29/3. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Công nhân sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Dệt May 29/3. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Bất ổn chính trị lan rộng ở Bangladesh có thể làm xáo trộn chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu và tác động đến ngành dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng sẽ khó có việc dịch chuyển đơn hàng một cách ồ ạt. Dệt may Việt Nam cần tập trung cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh và các chiến lược dài hạn hơn.

Từ đầu tháng Tám vừa qua, nhiều cuộc biểu tình, bạo động diễn ra ở Bangladesh khiến hoạt động sản xuất của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng; trong đó, ngành dệt may-ngành sản xuất chính, đóng góp gần 90% kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh chịu thiệt hại lớn nhất khi nhiều nhà máy phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dẫn nguồn từ tờ Business Standard của Bangladesh, cho biết Hiệp hội nhà máy dệt Bangladesh đã thông báo đóng cửa tất cả các nhà máy thành viên trong ba ngày, theo quyết định của Chính phủ Bangladesh về 3 ngày nghỉ chung. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Bangladesh đang phải chứng kiến số lượng đơn hàng giảm từ 25-40%.

Tuy nhiên, nguyên nhân của việc giảm đơn hàng tại Bangladesh không chỉ đến từ việc xung đột nội bộ, mà còn do nhu cầu ở các thị trường lớn của nước này như Tây Âu, Nga giảm mua hàng vì lạm phát. Bangladesh hiện là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai trên thế giới, xếp trên Việt Nam và chỉ sau Trung Quốc.

Khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Bangladesh đến từ các thị trường khu vực Bắc Mỹ và EU. Mặt hàng xuất khẩu chính của Bangladesh là sản phẩm gia công cho các thương hiệu thời trang hàng đầu từ châu Âu như H&M, Zara.

ttxvn_det may Bangladesh.jpg
Công nhân làm việc tại nhà máy dệt may ở Savar, ngoại ô Dhaka, Bangladesh, ngày 13/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Vitas, việc nhiều nhà máy dệt may ở Bangladesh phải đóng cửa có thể khiến khách hàng cân nhắc chuyển đơn đặt hàng sang các quốc gia khác. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ một số lợi thế nhất định và hoàn toàn có khả năng đón nhận thêm những đơn hàng mới. Bởi trong ngắn hạn, năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ bị giảm sút ngay giai đoạn cao điểm sản xuất hàng cho mùa Đông.

Các nhà mua hàng sẽ phải tính toán dịch chuyển đơn hàng sang nước khác để bù đắp số lượng thiếu hụt. Những bất ổn về mặt chính trị cũng khiến niềm tin của khách hàng đối với hoạt động sản xuất nói chung, ngành dệt may Bangladesh nói riêng bị giảm sút. Một điểm đáng chú ý là Bangladesh vốn có lợi thế về giá nhân công rẻ nhưng các cuộc biểu tình hiện đang đặt ra sức ép tăng lương cho người lao động.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, mức độ dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh sang các nước khác, bao gồm cả Việt Nam sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như tính chất của các đơn hàng và đối tác. Về tổng thể, Bangladesh vẫn có lợi thế lớn về chi phí sản xuất khi có giá nhân công rẻ, lãi suất ngân hàng thấp, được hưởng quyền tiếp cận miễn thuế và không hạn ngạch đối với tất cả các thị trường ở EU.

Các doanh nghiệp Bangladesh cũng được nhà nước trợ cấp chi phí năng lượng để gia tăng xuất khẩu. Hơn nữa, dù còn nhiều bất ổn nhưng Chính phủ mới tại Bangladesh chắc chắn sẽ sớm triển khai các biện pháp để hỗ trợ cho ngành dệt may vì đây là trụ cột kinh tế của đất nước.

Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI nhận định việc nhiều nhà máy Bangladesh phải đóng cửa do lo ngại bạo lực có thể khiến chuỗi cung ứng dệt may dịch chuyển sang các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam; trong đó, Ấn Độ sẽ có lợi thế hơn hẳn bởi là nước láng giềng và ngành dệt may hai nước có quan hệ mật thiết với nhau. Ấn Độ vừa là nguồn cung cấp bông, vừa là chủ đầu tư nhiều nhà máy may mặc lớn ở Bangladesh. Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất chủ yếu cho thị trường châu Âu và gia công cho các thương hiệu có thể được hưởng lợi do các nhà mua hàng dễ dịch chuyển đơn hàng hơn.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, phân tích trung bình mỗi tháng Bangladesh xuất khẩu khoảng 3,8-4 tỷ USD hàng dệt may đi các thị trường EU, Anh, Mỹ. Với tình hình hiện tại, những bất ổn ở Bangladesh khó giải quyết trong ngày một ngày hai, do đó việc chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu bị xáo trộn là khó tránh khỏi.

Về thị phần, trước khi xảy ra biểu tình, bạo động, Bangladesh là đối thủ cạnh tranh trực triếp với dệt may Việt Nam. Do đó, khi hoạt động sản xuất tại Bangladesh bị gián đoạn, về lý thuyết, dệt may Việt Nam được hưởng lợi. Doanh nghiệp Việt Nam có thể nhận thêm các đơn hàng do khách hàng của Bangladesh chuyển qua trong ngắn hạn để gia tăng tốc độ phục hồi sau thời gian khó khăn.

ttxvn_det may Viet.jpg
May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Việt, việc nhận thêm đơn hàng gia công không phải là mục tiêu lớn nhất của dệt may Việt Nam bởi chiến lược phát triển của Việt Nam khác với Bangladesh.

Trong khi Bangladesh hầu như dựa vào đơn hàng gia công cho các nhãn hàng, thương hiệu và cạnh tranh bằng thâm dụng lao động giá rẻ thì Việt Nam định hướng phát triển ngành công nghiệp dệt may có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn-công nghiệp thời trang.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đã đầu tư máy móc, công nghệ, tự động hóa trong sản xuất nhằm cắt giảm nhân công; đồng thời cũng chú trọng nghiên cứu, phát triển mảng thiết kế, xây dựng thương hiệu để hướng tới phân khúc thị trường cao hơn.

Thực tế, trước thời điểm Bangladesh xảy ra biểu tình, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đang phục hồi rất tốt. Chỉ trong tháng Bảy vừa qua, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4,3 tỷ USD; lũy kế 7 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 23,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp dự báo, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng tới, bởi theo yếu tố chu kỳ thì nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm.

Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều tăng trưởng tốt. Mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay đang nằm trong tầm tay, nếu thuận lợi xuất khẩu dệt may cả năm có thể đạt tới 46 tỷ USD.

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất đến hết năm nay, một số doanh nghiệp đã đàm phán đơn hàng cho nửa đầu năm 2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục