Bất ổn chính trị tại Nam Phi: Nhân tố "đổ thêm dầu vào lửa"

Các đối tượng chủ mưu bạo loạn đã lợi dụng lỗ hổng thông tin nguy hiểm do tình trạng thiếu thông tin chính xác và kịp thời từ các nguồn của chính phủ Nam Phi để tạo ra bất ổn chính trị,
Bất ổn chính trị tại Nam Phi: Nhân tố "đổ thêm dầu vào lửa" ảnh 1Các đối tượng cướp phá tại một cửa hàng ở Johannesburg, Nam Phi ngày 12/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang dailymaverick.co.za mới đây đăng bài của Karen Allen, tư vấn viên Viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi (ISS) phân tích mối quan hệ của truyền thông trên mạng xã hội đối với tình trạng bạo loạn, cướp phá xảy ra tại Nam Phi đầu tháng 7/2021 và hậu quả. Nội dung như sau:

Khó có thể xác định đầy đủ vai trò của mạng xã hội đối với nạn cướp bóc và phá hủy tài sản đang diễn ra ở các tỉnh Gauteng và KwaZulu-Natal của Nam Phi.

Tuy nhiên, những vụ việc gần như một chiến dịch phá hoại kinh tế bắt đầu vào cuối tuần đầu tiên của tháng 7/2021 cho thấy những kẻ chủ mưu có động cơ chính trị và cũng minh chứng rõ ràng phương tiện truyền thông trên mạng xã hội có thể bị vũ khí hóa với những hậu quả tàn khốc như thế nào.

Tới ngày 16/7, thống kê chính thức cho thấy có 117 người thiệt mạng, hơn 1.400 người bị bắt giữ, trong đó có 12 đối tượng chủ mưu, kích động đang bị điều tra.

Tổn thất cho nền kinh tế Nam Phi có thể lên đến hàng tỷ Rand (nội tệ Nam Phi), làm tăng thêm gánh nặng đáng kể mà “đất nước Cầu Vồng” đã và đang phải đối mặt do tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là hậu quả đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các đối tượng chủ mưu đã lợi dụng lỗ hổng thông tin nguy hiểm do tình trạng thiếu thông tin chính xác và kịp thời từ các nguồn của chính phủ để tạo ra bất ổn chính trị, trong bối cảnh các phương tiện truyền thông truyền thống hạn chế trong khả năng tiếp cận kịp thời các địa điểm bất ổn, các nhà báo đối mặt với tình trạng nguy hiểm về tính mạng.

[Ít nhất 117 người thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn tại Nam Phi]

Các nền tảng truyền thông trên mạng xã hội đã và đang lấp đầy khoảng trống thông tin đó, thường xuyên tán phát những nội dung không thể kiểm chứng được mà phần lớn nội dung là sai sự thật.

Đáng chú ý, khi mà công chúng lo lắng và rất cần tin tức, những gì họ tiếp nhận có thể là một thực tế bị thổi phồng và được chia sẻ qua các mạng xã hội “tự chọn” và “đáng tin cậy.”

Theo nghiên cứu của ISS, nhiều sự kiện thực tế đã bị bóp méo, tỷ lệ trùng hợp về sự cố xảy ra trên thực tế với sự phản ánh qua mạng xã hội rất thấp. Hình ảnh và video (giả mạo hoặc trong bối cảnh không đầy đủ) về cơ sở hạ tầng bị đốt cháy, hàng rào bị phá bỏ hoặc các hành vi bất tuân dân sự khác - đã tạo ra các xu hướng vận động khác nhau trong đời sống xã hội.

Những hình ảnh và video này như đổ thêm dầu vào lửa, kích động thêm bạo lực và hình thành các mối đe dọa và sự phản kháng mang tính chất xung đột chủng tộc và xung đột giữa các “nhóm tự vệ cộng đồng” với “những người tham gia các sự kiện bất ổn.”

Trong thời kỳ khủng hoảng, nhu cầu thông tin là bình thường, và liên lạc qua mạng xã hội mang lại một mức độ thoải mái và cảm giác kết nối cho những người bị ảnh hưởng.

Nhưng sự pha trộn giữa thực tế, kinh nghiệm và sự giả tưởng xuất hiện trên các nền tảng kỹ thuật số này cũng có thể gây ra tâm lý lo lắng, sợ hãi và mua sắm hoảng loạn của công chúng, đồng thời làm tăng sự thiếu tin cậy lẫn nhau và kích động sự thù hận về chủng tộc. Hiệu ứng này đe dọa các mối quan hệ xã hội vốn đã mong manh của Nam Phi.

Đến lượt mình, công chúng sử dụng mạng xã hội có thể đổ thêm dầu vào lửa bằng cách chia sẻ lại nội dung mang tính kích động hoặc đơn giản là tán phát thông tin không đúng sự thật. Những hành động này đã dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền vừa ra thông báo sẽ buộc con gái của cựu Tổng thống Jacob Zuma (vừa bị Tòa án Hiến pháp phạt tù 15 tháng từ ngày 8/7/2021 với hành vi coi thường tòa án) là Duduzile Zuma-Sambudla phải chịu trách nhiệm về các dòng tweet kèm theo những video và lời kêu gọi mang tính kích động, được xem là châm ngòi cho làn sóng bạo loạn và cướp phá tại Nam Phi.

Bốn thành viên khác của ANC cũng bị khiển trách vì những hành vi thể hiện trên các nền tảng truyền thông mạng xã hội.

Nhưng vấn đề không phải chỉ là nhân thân, chính trị hay đặc quyền, mà là về trách nhiệm và hậu quả đối với hành vi trực tuyến. Khi ngày càng nhiều người sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình thông qua mạng xã hội, chúng ta phải nhận thức được trách nhiệm của bản thân và hậu quả thực tế của việc lạm dụng các quyền tự do ngôn luận.

Theo Đạo luật Tội phạm mạng của Nam Phi, đăng tải thông tin độc hại trên mạng xã hội là hành vi phạm tội. Đạo luật này quy định những hành vi phạm tội gồm xúi giục, kích động làm hư hỏng tài sản hoặc đe dọa làm hư hỏng tài sản hoặc đe dọa sức khỏe, tính mạng con người.

Ngoài ra, nếu các dòng tweet, tin nhắn hoặc cuộc trò chuyện kèm theo (một/những) hình ảnh giả mạo hoặc cố tình bị xuyên tạc, hành vi phạm tội có thể cấu thành tội giả mạo và xúc phạm người khác trên mạng. Chỉ cần chia sẻ lại nội dung độc hại có chủ ý bị thao túng/xuyên tạc có thể khiến bất kỳ ai trong chúng ta vô tình tiếp tay cho hành vi phạm tội.

Ước tính có hơn 22 triệu người ở Nam Phi sử dụng các mạng xã hội và con số này đang tăng lên nhanh chóng khi ngày càng có nhiều người sử dụng điện thoại thông minh.

Trong các cuộc bạo động, biểu tình hoặc cướp bóc, sức mạnh truyền thông của mạng xã hội theo hướng tích cực hoặc tiêu cực trở thành 2 cực đối lập rõ rệt.

Đối với các nhà báo chuyên nghiệp, cảnh sát, quân đội và những người ứng cứu khẩn cấp, các mạng xã hội như Twitter, Facebook và WhatsApp có thể cung cấp thông tin cần thiết về thời gian thực về các sự kiện đang xảy ra. Cảnh sát và công tố viên cũng có thể xác định kẻ phạm tội bằng cách sử dụng các kỹ thuật điều tra nguồn mở để xác minh hình ảnh và video trên mạng xã hội.

Trong đảm bảo an ninh, truyền thông trên mạng xã hội cũng là một phương tiện để truyền tải các thông báo an toàn công cộng, chẳng hạn kêu gọi mọi người tránh xa những khu vực đã bùng phát bạo lực.

Đối với các nhà báo, mạng xã hội cũng cung cấp những bức ảnh chụp nhanh chưa qua lọc từ “tiền tuyến” và tính tức thời khó có thể sánh kịp trong thời đại bùng nổ tin tức.

Mạng xã hội cũng trở thành một công cụ mạnh mẽ để buộc các quan chức nhà nước phải chịu trách nhiệm. Các nền tảng truyền thông của mạng xã hội cho phép người dân nắm bắt và báo cáo các hành vi lạm dụng trong thời gian thực hoặc các hành vi lạm dụng quyền hành chính của nhà chức trách và đưa ra những yêu cầu xử lý đối với các hành vi này.

Nhưng mạng xã hội trong thời kỳ bất ổn lại là một con dao hai lưỡi. Nghiên cứu của ISS đã chỉ ra cách thức các tin nhắn hoặc tweet, hình ảnh và video mang tính kích động được khuếch đại thông qua các thuật toán mạnh mẽ và trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép tin nhắn đến được với nhiều người, nhanh hơn.

Cảnh sát Nam Phi phải được trang bị để xác định các mô hình bất ổn trên mạng xã hội trước khi chúng xảy ra, bằng cách theo dõi các vấn đề mang tính xu hướng và những người có ảnh hưởng tiềm năng trong thời điểm căng thẳng. Điều này sẽ đòi hỏi nguồn lực và thời gian.

Các nhà điều tra và công tố viên cũng cần phải thông thạo hơn trong việc áp dụng luật mới về tội phạm mạng và truyền thông độc hại trong thực tế. Các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm sử dụng kỹ thuật số có trách nhiệm có thể giúp giảm thiểu những hậu quả không mong muốn trong thời đại truyền thông mạng xã hội hiện nay.

Đây là những giải pháp trung hạn. Còn khi nạn cướp bóc và phá hủy tài sản tiếp tục diễn ra, giới chức Nam Phi nên sử dụng các nền tảng truyền thông mạng xã hội của riêng họ để cảnh báo các hành vi lạm dụng.

Các phương tiện truyền thông truyền thống cũng phải luôn cảnh giác, thực hiện các nguyên tắc cơ bản của báo chí bằng cách xác minh nguồn tin. Công chúng phải chịu trách nhiệm về những gì đăng tải hoặc phải đối mặt với hậu quả trước tòa.

Các mạng xã hội cũng phải có trách nhiệm góp phần giảm căng thẳng trong xã hội hiện nay. Trong vài ngày qua, Julius Malema - Chủ tịch đảng Các chiến sĩ vì tự do kinh tế (EFF), đã bị hạn chế quyền truy cập vào tài khoản Twitter chính thức sau khi những nhà quản lý mạng xã hội này đánh giá ông Julius Malema đã vi phạm quy tắc hoạt động theo quy định của Twitter.

Điều này tương tự việc Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari gần đây cũng bị Twitter áp dụng những hạn chế sau khi các dòng tweet từ tài khoản mang tên nhà lãnh đạo này bị gỡ xuống do kích động mâu thuẫn sắc tộc.

Phản ứng của Tổng thống Muhammadu Buhari là cấm Twitter hoạt động tại Nigeria - xu hướng có thể chứng kiến ở những nơi khác của châu Phi khi các nhà lãnh đạo chính trị va chạm với thực tế công nghệ thời đại ngày nay.

Tình trạng bất ổn gần đây và việc kích động bạo lực trực tuyến cho thấy nhu cầu về phổ biến kiến thức kỹ thuật số ở Nam Phi. Nếu Nam Phi thất bại trong hoạt động điều tra và truy tố những kẻ chủ mưu, tổ chức, kích động bạo loạn, cướp phá và lạm dụng vừa qua, những vi phạm này có nguy cơ biến các mạng xã hội thành diễn đàn “vô chính phủ” miễn phí.

Tuy nhiên, việc quản lý các mạng xã hội sau đó, như cấm hoàn toàn việc sử dụng mạng xã hội (từng diễn ra tại Nigeria) hoặc ban hành các luật trừng phạt quá mức, sẽ thu hẹp không gian dân chủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục