Bất ổn chính trị tác động đến thị trường tài chính và hàng hóa châu Á

Bất ổn chính trị đã khiến giá vàng và giá dầu trên thị trường châu Á giảm trong khi thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 15/7.
Giếng dầu ở Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 1/1/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 15/7, bất ổn chính trị đã khiến giá vàng và giá dầu trên thị trường châu Á giảm trong khi thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều.

Giá vàng giảm trong lúc chờ đợi số liệu kinh tế quan trọng

Giá vàng châu Á giảm trong phiên ngày 15/7, trong bối cảnh đồng USD vững giá, trong khi đó các nhà đầu tư chờ đợi số liệu kinh tế và bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để tìm kiếm manh mối về lộ trình lãi suất của Mỹ.

Khoảng 13 giờ 53 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 2.402,82 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,5% xuống 2.408,50 USD/ounce.

Trang sức vàng được trưng bày tại triển lãm ở Cairo, Ai Cập, ngày 28/11/2023. (Ảnh: THXTTXVN)

Đồng USD đã tăng mạnh sau vụ ám sát hụt ứng cử viên Tổng thống Donald Trump. Đồng USD mạnh khiến vàng đắt đỏ hơn cho người mua nắm giữ đồng tiền khác.

Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của City Index cho rằng chiến thắng hay thất bại của ông Trump không có liên quan trực tiếp đến hướng đi của vàng giống như những dự báo về chính sách của Fed. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại gia tăng, điều đó sẽ có lợi cho giá vàng.

Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ có bài phát biểu vào cuối ngày 15/7, sau đó một vài quan chức khác của Fed cũng sẽ lần lượt phát biểu vào cuối tuần này. Các số liệu dự kiến được công bố trong tuần này gồm doanh số bán lẻ của Mỹ, sản lượng công nghiệp tháng 6/2024 và báo cáo về lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần.

Ông Ilya Spivak, người đứng đầu bộ phận phân tích vĩ mô toàn cầu tại công ty dữ liệu tài chính Tastylive, cho biết nếu doanh số bán lẻ giảm mạnh, điều đó sẽ càng làm tăng thêm áp lực buộc phải cắt giảm lãi suất, qua đó hỗ trợ giá vàng. Nếu giá vàng phá ngưỡng 2.450 USD/ounce, kim loại quý này sẽ thiết lập mức kỷ lục mới.

Thị trường hiện đang dự đoán có 93% khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống 30,65 USD/thùng, giá bạch kim giảm 0,7% xuống 991,88 USD/thùng, còn giá palladium giảm 1,5% xuống 954,25 USD/thùng.

Tại thị trường Việt Nam, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 75,88 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Chứng khoán châu Á trái chiều

Các thị trường chứng khoán châu Á giao dịch ngược chiều nhau trong phiên ngày 15/7, trong bối cảnh các nhà đầu tư đánh giá tác động của vụ nổ súng nhằm vào ứng cử viên Tổng thống Donald Trump, với số liệu cho thấy sự cố này đã làm tăng khả năng tái đắc cử của ông.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,5% xuống 18.015,94 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tăng 0,1% lên 2.974,01 điểm.

Bảng điện tử niêm yết chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chứng khoán Đài Bắc, Wellington, Bangkok và Jakarta giảm, trong khi chứng khoán Seoul, Mumbai, Sydney, Singapore và Manila tăng. Thị trường Tokyo đóng cửa nghỉ lễ.

Sự chú ý của thị trường cũng đang hướng đến cuộc họp quan trọng của các quan chức cấp cao của Trung Quốc, với hy vọng sẽ có nhiều biện pháp kích thích nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được tung ra.

Kinh tế Trung Quốc đã tăng chậm lại trong quý 2/2024, chỉ tăng 4,7%, thấp hơn dự báo tăng 5,1% mà khảo sát của Bloomberg đưa ra và thấp hơn mục tiêu 5% của chính phủ.

Đồng USD đã tăng trong phiên ngày 15/7, sau khi giảm nhẹ trong tuần trước do triển vọng lãi suất thấp.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 0,93 điểm (0,07%) xuống 1.279,82 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,18 điểm (0,07%) xuống 244,84 điểm.

Giá dầu châu Á giảm nhẹ

Giá dầu châu Á chỉ giảm nhẹ trong phiên ngày 15/7 giữa lúc những bất ổn chính trị tại Mỹ và Trung Đông đang hỗ trợ giá, “lấn át” sức ép đi xuống từ đồng USD mạnh lên và nhu cầu yếu từ nước nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc.

Khoảng 13 giờ 40 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 13 xu (0,2%) xuống 84,90 USD/thùng, sau khi giảm 37 xu phiên 12/7. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 6 xu (0,1%) xuống 82,15 USD/thùng.

Đồng USD mạnh lên sau khi vụ ám sát hụt ứng cử viên Tổng thống Donald Trump, qua đó gây áp lực lên giá dầu. Đồng USD mạnh lên khiến giá dầu trở nên đắt đỏ hơn cho những người mua nắm giữ đồng tiền khác.

Tại khu vực Trung Đông, các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở dải Gaza giữa Israel và Hamas đã bị đình chỉ hôm 13/7 sau 3 ngày, mặc dù một quan chức Hamas cho biết vào ngày hôm sau rằng họ không rút khỏi các cuộc thảo luận. Yếu tố địa chính trị bất ổn đã giữ cho giá dầu ở mức cao hơn.

Thị trường dầu cũng được hỗ trợ từ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+), trong đó Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết nước này sẽ bù đắp cho bất kỳ hoạt động sản xuất dư thừa nào kể từ đầu năm 2024.

Tuần trước, giá dầu Brent đã giảm hơn 1,7% sau 4 tuần tăng giá, trong khi giá dầu WTI giảm 1,1% do lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, giảm xuống, trái ngược với mức tiêu thụ mạnh mẽ trong dịp Hè ở Mỹ.

Kinh tế Trung Quốc đã tăng chậm lại trong quý II/2024 do sự suy yếu kéo dài của thị trường bất động sản và sự bất ổn của thị trường tác động đến nhu cầu trong nước.

Tại Mỹ, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes ngày 12/7 cho biết, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động, một chỉ báo sớm về sản lượng dầu tương lai, đã giảm một giàn, xuống 478 giàn trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục