Vào lúc 16 giờ (giờ địa phương) ngày 7/8, tất cả các điểm bỏ phiếu trên toàn đất nước Thái Lan đã đóng cửa để bắt đầu tiến hành công tác kiểm phiếu của cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới.
Theo ghi nhận của các phương tiện truyền thông sở tại, tỷ lệ người dân tham gia bỏ phiếu cũng chỉ xấp xỉ quá bán, dù các quan chức bầu cử tỏ ra khá lạc quan.
Theo Ủy ban bầu cử Thái Lan, dự kiến ban đầu là đến 21 giờ ngày 7/8 sẽ có kết quả kiểm 95% số phiếu trong khi kết quả chính thức sẽ được công bố trong vòng 3 ngày sau đó. Tuy nhiên theo thông báo mới nhất, do một số trục trặc của mạng máy tính, có khả năng phải chờ đến sáng 8/8 mới có kết quả kiểm đa số số phiếu.
Theo hiến pháp tạm thời được các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014 soạn thảo, chính phủ quân sự sẽ tiếp tục nắm quyền bất kể kết quả trưng cầu dân ý.
Trước đó, phát biểu trước báo giới ngày 5/8 vừa qua, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã một lần nữa khẳng định cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức như kế hoạch trong năm 2017 bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp.
Theo giới phân tích, nếu dự thảo hiến pháp vượt qua cuộc trưng cầu, kết quả đó sẽ củng cố tính hợp pháp của chính quyền hiện nay. Tuy nhiên, trong trường hợp dự thảo hiến pháp bị bác bỏ, nguy cơ bất ổn chính trị có thẻ xảy ra và chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha khi đó sẽ đối mặt nhiều rủi ro./.