Bất ổn chính trị khiến giá năng lượng tăng vọt trong năm 2021

Các nước phương Tây cáo buộc Nga hạn chế cung cấp khí đốt để gây áp lực lên châu Âu giữa lúc căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột Ukraine và dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Bất ổn chính trị khiến giá năng lượng tăng vọt trong năm 2021 ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Balkan ở Serbia. (Ảnh: IBNA/TTXVN)

Giá năng lượng tăng vọt vào năm 2021, trong đó giá khí đốt, dầu, than, điện và carbon đều tăng cao hơn, chủ yếu do tình hình căng thẳng địa chính trị.

Nhà phân tích Barbara Lambrecht của ngân hàng Commerzbank cho biết giá cả tăng mạnh là điều được quan tâm nhất trên thị trường hàng hóa trong năm 2021.

Giá khí đốt tại châu Âu đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất, đạt 187,78 euro/MWh trong tháng 12/2021, cao gấp 10 lần so với mức đầu năm.

Mức tăng đột biến này là do những căng thẳng địa chính trị liên quan đến Nga, quốc gia cung cấp 1/3 khí đốt cho châu Âu.

[Khủng hoảng năng lượng bao trùm thế giới trong năm 2021]

Các nước phương Tây cáo buộc Nga hạn chế cung cấp khí đốt để gây áp lực lên châu Âu giữa lúc căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột Ukraine và thúc đẩy dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) gây tranh cãi để vận chuyển khí đốt của Nga tới Đức.

Những người chỉ trích cho rằng đường ống khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga và Ukraine đã miêu tả đường ống này sẽ như một "vũ khí địa chính trị."

Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã bác bỏ những cáo buộc của phương Tây rằng Nga đang hạn chế việc cung cấp khí đốt tới châu Âu, vốn đã bị ảnh hưởng bởi lượng dự trữ thấp khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch.

Sự phụ thuộc vào khí đốt đã tăng lên khi thời tiết ấm hơn đã làm giảm khả năng cung cấp năng lượng gió.

Giá dầu thô cũng tăng hơn 50% vào năm 2021, khi nhu cầu phục hồi và các quốc gia sản xuất dầu do Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, hay còn gọi là OPEC+, dẫn dắt đã tăng nguồn cung một cách khiêm tốn.

OPEC+ đã cắt giảm mạnh sản lượng vào năm 2020 khi đại dịch bắt đầu bùng phát và các hạn chế liên quan đến dịch bệnh đã khiến nhu cầu và giá cả giảm xuống.

Nhà phân tích Lambrecht lưu ý mặc dù giá dầu thô đã tăng trở lại, giao dịch trên 75 USD/thùng khi bước sang năm mới, song mức tăng “vừa phải so với giá khí đốt.”

Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) đã đạt mức cao nhất trong 7 năm ở mức 85 USD/thùng vào tháng 10/2021, trước khi giảm xuống.

Giá khí đốt và dầu tăng cao đã đẩy giá thành của than đá, một trong những loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất, vào thời điểm các quốc gia đang chịu sức ép phải chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn.

Giá một tấn than giao đến các cảng Amsterdam-Rotterdam-Antwerp được giao dịch ở mức 280 USD vào đầu tháng 10/2021, gần gấp ba lần mức giá được duy trì trong khoảng một thập niên.

Giá điện cũng tăng mạnh. Giá điện để bàn giao cho Pháp trong năm 2022 đã tăng trên 450 euro/MWh trong tháng 12/2021, cao gấp 4 lần so với mức đầu tháng 9/2021.

Giá năng lượng tăng cao đang làm dấy lên nỗi lo lạm phát cao do chi phí tăng cao ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục