"Bật mí" những lý do dẫn đến mối quan hệ căng thẳng Anh-Pháp

Nhập cư, Brexit, liên minh AUKUS và bây giờ bùng nổ xung đột về quyền đánh bắt cá... có rất nhiều vấn đề tranh chấp phản ánh sự kình địch truyền thống giữa hai nước láng giềng Anh, Pháp.
"Bật mí" những lý do dẫn đến mối quan hệ căng thẳng Anh-Pháp ảnh 1Tàu đánh cá Cornelis Gert Jan của Anh bị nhà chức trách Pháp bắt giữ và được đưa tới cảng miền Bắc Le Havre để phục vụ điều tra. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo Le Monde (Pháp) đăng bài viết có tựa đề “Pháp-Anh: Nhiều lý do dẫn đến mâu thuẫn sâu sắc,” trong đó cho rằng Pháp và Anh đang lún sâu vào tranh chấp liên quan đến quyền đánh bắt cá theo thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những vấn đề gây căng thẳng giữa hai bên.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã chỉ đạo Bộ trưởng phụ trách châu Âu Wendy Morton "triệu tập đại sứ Pháp" hôm 29/10 để giải thích về những mối đe dọa mà Anh cho là “phi lý và gây thất vọng đối với Anh.”

Người phát ngôn của Chính phủ Anh nêu rõ:“Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi ngôn ngữ đối đầu đã liên tục được chính phủ Pháp sử dụng trong vấn đề này, và điều đó không tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết mọi vấn đề.”

“Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, giọng điệu nhanh chóng trở nên nặng nề hơn khi Pháp thông báo rằng các biện pháp trả đũa đầu tiên đối với quần đảo Jersey bên eo biển Manche và Vương quốc Anh bắt đầu có hiệu lực.

Các biện pháp thắt chặt kiểm soát và cấm tàu thuyền Anh cập cảng Pháp sẽ được áp dụng từ ngày 2/11 nếu London không cấp thêm giấy phép đánh bắt cá - hiện đang được cho là quá ít - cho các ngư dân Pháp ở các vùng biển liên quan. Paris cho biết cũng sẽ áp đặt các biện pháp kiểm tra gắt gao đối với hoạt động thương mại xuyên eo biển, đồng thời đe dọa nguồn cung cấp năng lượng của Anh cho đến khi có được giấy phép hoạt động mới.

Về phần mình, chính quyền quần đảo Jersey - hòn đảo lớn nhất ở vùng biển Manche - cho biết họ "vô cùng thất vọng" trước thông báo của Paris, đồng thời khẳng định đã cấp 20 giấy phép mới cho các tàu đánh cá của Pháp, hầu hết là tạm thời.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Môi trường John Young và Bộ trưởng Ngoại giao Ian Gorst của quần đảo Jersey nêu rõ: "Chúng tôi vô cùng thất vọng trước thông báo của Chính phủ Pháp (...), trong đó có nhắc đến việc đang xem xét các biện pháp trả đũa."

[Diễn biến tích cực trong tranh cãi thương mại giữa Anh và Pháp]

Việc nhà chức trách Pháp tăng cường kiểm soát các tàu thuyền của Anh dường như đã bắt đầu bằng "lời qua tiếng lại" vào đêm 27-28/10 liên quan đến 2 tàu đánh cá.

Lực lượng Pháp đã bắt giữ tàu đánh cá Cornelis Gert Jan của Anh ngoài khơi biển Normandy với cáo buộc hoạt động không giấy phép, "không có tên trong danh sách cấp phép mà Ủy ban châu Âu và Pháp cấp cho Vương quốc Anh."

Chủ tàu này có nguy cơ bị phạt 75.000 euro và các biện pháp trừng phạt hành chính trong thời gian thi hành án nếu bị xét xử vào tháng 8/2022 (theo dự kiến).

Cũng trong ngày 28/10, đã có thêm chiếc tàu thứ hai của Anh bị lực lượng của Pháp cảnh báo răn đe bằng lời nói. Hành động này cho thấy Pháp có vẻ đang rất quyết tâm không lùi bước trong tranh chấp về quyền đánh bắt cá với Anh, đồng thời đánh dấu sự suy giảm nghiêm trọng về nhiều mặt trong quan hệ giữa hai nước.

Nhập cư, Brexit, liên minh AUKUS và bây giờ bùng nổ xung đột về quyền đánh bắt cá... có rất nhiều vấn đề tranh chấp phản ánh sự kình địch truyền thống giữa hai nước láng giềng này. Brexit quả thực giống như một "liều độc dược" phát tác dần trong quan hệ hai bờ eo biển Manche.

Chính phủ của Thủ Anh Boris Johnson luôn cho rằng Pháp phải chịu một phần trách nhiệm về "thỏa thuận ly hôn" mà London cho là không thỏa đáng, cũng như về thỏa thuận thương mại hậu Brexit mà người Anh luôn thấy “bị tước đoạt.”

Đúng là Pháp đã tỏ ra cứng rắn nhất trong tiến trình đàm phán Brexit. Charles Grant, Giám đốc Trung tâm (tư vấn) cải cách châu Âu tại London, nhận xét: “Paris đã nhầm khi tưởng rằng Anh sẽ trở thành một kiểu Singapore bên bờ sông Themes hỗn loạn. Họ cũng muốn thâu tóm các thị phần tài chính ở City hoặc trong lĩnh vực sản xuất ôtô. Paris cũng giữ thái độ rất cứng rắn để gạt bỏ các lập luận ủng hộ Brexit của các phe phái cực đoan.”

Sau Brexit 18 tháng, Paris không thể chịu được việc London công cụ hóa tình hình cá biệt của Bắc Ireland để yêu sách đàm phán lại nghị định thư Bắc Ireland. Một chiến lược mà Jonathan Powell, cựu chánh văn phòng của cựu Thủ tướng Tony Blair, gọi là hành động "phá hoại" trong bài xã luận đăng trên báo Financial Times mới đây.

"Thủ tướng muốn tiếp tục cuộc chiến Brexit vì nó phục vụ lợi ích chính trị của ông," nghị sỹ Công đảng Hilary Benn, người đi đầu trong cuộc chiến chống Brexit, nhận xét. Người Pháp tin rằng ông Johnson đang khoét sâu bất đồng với EU để củng cố sự ủng hộ của người dân dân đối với đảng Bảo thủ.

Tại Paris và Brussels, các nhà ngoại giao cũng đang rất “nóng mặt” khi Phố Downing “nói sai sự thật" về các lợi ích nhận được từ Brexit. Thủ tướng Johnson và Bộ trưởng phụ trách quan hệ với EU David Frost cho rằng sở dĩ Anh thành công trong chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầu năm 2021 là nhờ Brexit.

Theo chuyên gia Grant, thái độ khó chịu càng trở nên rõ ràng hơn khi London cho rằng các tàu thuyền của Pháp đã không đáp ứng đầy đủ các điều kiện mới hậu Brexit để tiếp tục được cấp phép đánh bắt cá tại các vùng biển của Anh.

Một trong những lời hứa quan trọng của Brexit là "giành lại quyền kiểm soát" đối với người di cư. Vậy mà các chuyến vượt biển qua eo biển Manche bằng tàu thuyền nhỏ đã tăng gần gấp 10 lần từ năm 2019 đến năm 2021 (ít nhất đã có 17.000 lượt qua lại kể từ đầu năm nay).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Priti Patel đã không ngần ngại cáo buộc Paris không kiểm soát tốt đường biên giới để dẫn đến tình trạng này, đồng thời cảnh báo sẽ không trả tiền cho phía Pháp theo Hiệp ước Touquet về giám sát biên giới giữa hai nước, thậm chí đe dọa đẩy người di cư trở lại vùng Calais của Pháp.

Trên thực tế, chính phủ Pháp đang gặp áp lực trong hồ sơ này khi bị cánh hữu cáo buộc là không hành động gì, trong khi lại bị các tổ chức phi chính phủ (NGO) cho là đang thực hiện một chính sách “vô nhân đạo.” Chính phủ Pháp đã bực tức đến mức một số nhà ngoại giao phải lên tiếng rằng London không nên đẩy Paris đi quá xa nếu không muốn Hiệp định Touquet bị đình chỉ.

Xét trên quan điểm chính trị thuần túy, mâu thuẫn giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Johnson có xuất phát điểm từ logic đối nghịch nhau. Ông Macron được bầu vào năm 2017 với chương trình nghị sự ủng hộ châu Âu và cam kết sẽ trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ của EU.

Ngược lại, Johnson đã giành được đa số sự ủng hộ trong Hạ viện với lời hứa “thực hiện thành công Brexit.” Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo vẫn cần đến nhau.

Chẳng hạn, nói đến tự chủ chiến lược, Pháp không thể làm được nếu không có Anh - một cường quốc hạt nhân khác của châu Âu. Và Boris Johnson sẽ chỉ có thể hoàn tất việc đàm phán lại nghị định thư Bắc Ireland với sự chấp thuận của tổng thống Pháp.

Rất khó để London mong đợi một động thái thay đổi nào đó từ Paris trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2022, nhất là sau khi AUKUS ra đời, hủy hoại các hợp đồng mà theo đó Australia mua tàu ngầm của Pháp. AUKUS được coi là bằng chứng cho thấy "Nước Anh toàn cầu" mà những người Brexit quảng cáo không phải là một khẩu hiệu suông.

Ngược lại, nó đã diễn ra như một sự sỉ nhục đối với Paris. Làm thế nào để 2 bên tìm ra được một điểm chung sau một chấn thương như vậy, nhất là khi thủ tướng Anh tiếp tục chế nhạo sự tức giận của Pháp chứ không nỗ lực bù đắp thiệt hại (cho Paris) như Washington đang làm?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục