Bắt hai đối tượng làm giả con dấu, giấy tờ của nhiều bệnh viện lớn

Cơ quan Công an thu giữ được 4 dấu tròn giả mạo con dấu của 4 bệnh viện là Bạch Mai, Xanh Pôn, GTVT và Bệnh viện E cùng 32 dấu giả mạo tên, chức danh của các bác sỹ, 243 tài liệu đã được làm giả.

Ngày 5/7, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, sau một thời gian thu thập tài liệu chứng cứ, Công an quận đã bắt tạm giam hai đối tượng là Nguyễn Văn Quý (sinh năm 1994), Nguyễn Diệu Anh (sinh năm 2003), cùng tạm trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Để phục vụ công tác điều tra, Công an quận Tây Hồ, Công an phường Tứ Liên đã phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiến hành khám xét khẩn cấp nơi của hai đối tượng trên.

Bước đầu, cơ quan Công an thu giữ được 4 dấu tròn giả mạo con dấu của 4 bệnh viện là Bạch Mai, Xanh Pôn, Giao thông vận tải và Bệnh viện E cùng 32 dấu giả mạo tên, chức danh của các bác sỹ, 243 tài liệu đã được làm giả.

Để phục vụ việc làm bất chính, hai đối tượng còn trang bị máy tính, máy in màu và các thiết bị phụ kiện khác nhằm làm giả các giấy tờ và phiếu khám sức khỏe của các bệnh viện, bán kiếm lời.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Tây Hồ đã quyết định tạm giam Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Diệu Anh; tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm hành vi làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức.

Phản ánh về việc giả mạo chữ ký của người có thẩm quyền, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đã tiếp nhận thông tin về việc chữ ký của mình bị một số đối tượng giả mạo trên "Giấy ra viện" được lưu hành tại Hưng Yên và Hà Nội.

Việc ký Giấy ra viện được ủy quyền cho cấp dưới thực hiện. Việc một số đối tượng giả mạo chữ ký của lãnh đạo bệnh viện là hết sức nguy hiểm, đề nghị cơ quan Công an vào cuộc điều tra và có biện ngăn chặn, xử lý nghiêm trước pháp luật.

Liên quan đến việc làm giả các giấy tờ, con dấu của bệnh viện nhằm trục lợi, bà Nguyễn Thị Tám, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội thông tin, thời gian qua, cơ quan Bảo hiểm Xã hội đã từ chối thanh toán chế độ ốm đau, thai sản... đối với nhiều cá nhân, do sử dụng giấy ra viện, nghỉ ốm giả. Bà Tám nêu rõ, trục lợi bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo việc tuân thủ thực thi chính sách pháp luật theo quy định, phòng, chống lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị Sở Y tế phối hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa việc trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trong đó, Bảo hiểm Xã hội đề nghị Sở Y tế thành phố chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, quy trình khám, chữa bệnh của Bộ Y tế và nghiêm cấm các hành vi trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội; chỉ đạo thực hiện việc đăng ký mẫu dấu, mẫu chữ ký sử dụng trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế và các quy định khác của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục