Bắt giữ thợ lặn Ukraine nghi liên quan đến vụ nổ Dòng chảy phương Bắc

Các nhà điều tra Đức tin rằng người đàn ông Ukraine, được cho là sống ở Ba Lan mới đây, là một trong những thợ lặn đã cài thiết bị nổ trên đường ống chạy từ Nga đến Đức dưới Biển Baltic vào 9/2022.

Vị trí rò rỉ khí đốt thuộc đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 dưới biển Baltic, ngày 28/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vị trí rò rỉ khí đốt thuộc đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 dưới biển Baltic, ngày 28/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tin tức ngày 14/8 của 3 cơ quan truyền thông Đức, nước này đã ban hành lệnh bắt giữ ở châu Âu đối với một hướng dẫn viên lặn người Ukraine, được cho là thành viên của nhóm thủ phạm gây nổ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc.

Các tờ báo SZ, Die Zeit cùng với đài truyền hình ARD trích dẫn nguồn tin giấu tên cho hay, các nhà điều tra Đức tin rằng người đàn ông Ukraine, được cho là sống ở Ba Lan mới đây, là một trong những thợ lặn đã cài thiết bị nổ trên đường ống chạy từ Nga đến Đức dưới Biển Baltic vào tháng 9/2022.

Các bài báo cho biết Đức đã yêu cầu Ba Lan bắt giữ người đàn ông này vào tháng 6/2024.

Văn phòng Công tố Quốc gia Ba Lan và Đức đều chưa có bình luận về vấn đề này.
Hôm 14/8, tạp chí tin tức Spiegel dẫn các nguồn tin an ninh cho hay, nghi phạm được cho là đã rời Ba Lan.

Theo SZ, Zeit và ARD, một cuộc điều tra của Đức đã xác định một người đàn ông và một phụ nữ khác-cũng là huấn luyện viên lặn người Ukraine là nghi phạm phá hoại đường ống nhưng cho đến nay chưa có lệnh bắt giữ nào được ban hành đối với họ.

Vụ nổ phá hủy 3 trong số 4 đường ống Dòng chảy phương Bắc cho đến nay vẫn là một bí ẩn. Nga và phương Tây cáo buộc nhau đứng đằng sau vụ nổ, các bên đều phủ nhận liên quan đến sự việc và không ai chịu trách nhiệm.

Một cuộc điều tra của Thụy Điển đã tìm thấy dấu vết của chất nổ trên một số đồ vật được thu hồi từ hiện trường, xác nhận vụ nổ là hành động có chủ ý.

Tháng 01/2023, Đức đã đột kích một con tàu mà họ cho rằng có thể đã được sử dụng để vận chuyển chất nổ và nói với Liên hợp quốc rằng họ tin rằng các thợ lặn được đào tạo có thể đã gắn thiết bị vào đường ống ở độ sâu khoảng 70 đến 80 mét./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục