Bất đồng tạm lắng, “bão khủng hoảng" vẫn chưa tan trên Vùng Vịnh

Có thể không phải là “bộ tứ” chống Qatar, mà chính sách đối ngoại chủ nghĩa cá nhân của UAE sẽ biến nước này thành đối thủ của Qatar, trong khi xung đột âm ỉ dễ khiến UAE đối đầu Cairo, Saudi Arabia.
Các nước GCC đang nỗ lực giải quyết mâu thuẫn nội bộ. (Ảnh: AFP)

Từ sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 41 Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tại thành phố Al-Ula của Saudi Arabia hồi tháng 1/2021 đến nay, căng thẳng giữa các nước thành viên GCC vẫn chưa dịu bớt, thậm chí có nguy cơ gia tăng do nhiều nhân tố đan xen.

Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã có bài phân tích về vấn đề này, nội dung như sau:

Khi Thái tử Saudi Arabia Mohammad Bin Salman dành cho Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al Thani cái ôm nồng ấm tại Hội nghị thượng đỉnh GCC tại Al-Ula hồi tháng 1, dư luận dấy lên hy vọng mối quan hệ rạn nứt giữa hai quốc gia thành viên GCC này cuối cùng đã được hàn gắn, tình đoàn kết của cả khối sẽ trở lại.

Tuy nhiên, 6 tháng trôi qua, cuộc khủng hoảng trong GCC vẫn diễn biến căng thẳng với bất đồng tiếp tục gia tăng sâu sắc giữa các thành viên. Dù vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng sự chia rẽ này cảnh báo một cuộc tranh chấp mới có thể sẽ nổ ra bất cứ lúc nào.

Cách đây 4 năm, tháng 6/2017, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain đã đồng loạt tẩy chay và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với lý do Doha “bảo trợ khủng bố.”

Bốn quốc gia này đã ra tối hậu thư gồm 13 điểm yêu cầu Qatar phải thực hiện trong 10 ngày, bao gồm đóng cửa hãng truyền thông Al-Jazeera, chấm dứt quan hệ với Iran, cắt giảm hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ và đóng cửa các tổ chức bị cáo buộc có quan hệ với các nhóm khủng bố. Đương nhiên Qatar từ chối đáp ứng các yêu cầu này.

Sự chia rẽ trong GCC kéo dài bất chấp các nỗ lực giải quyết tranh chấp giữa các thành viên. Tuy nhiên, gần đây căng thẳng đã dịu xuống sau khi cả Saudi Arabia và Ai Cập đều chấp nhận nối lại quan hệ với Qatar. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây áp lực với Thái tử Bin Salman của Saudi Arabia, buộc Thái tử phải bình thường hóa quan hệ với Qatar.

[Dịch chuyển tương tác ở Trung Đông trong hình mẫu Ai Cập-Qatar]

Hơn nữa, “nghỉ chơi” với Qatar không giúp Saudi Arabia đạt được mục đích đề ra, thậm chí còn kéo theo những hậu quả ngoại giao tiêu cực khác. Với Ai Cập, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi cũng trong tình thế tương tự. Cairo đang quay lại bắt tay với nhiều quốc gia trước đây từng bị coi là “đối kháng”, trong đó có Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi Saudi Arabia và Ai Cập khôi phục quan hệ với Qatar, UAE lại do dự. Giữa Qatar và UAE còn tồn tại khác biệt về lý tưởng, bắt nguồn từ sự kiện “Mùa Xuân Arab,” nhất là việc Qatar ủng hộ các phong trào đối lập và các chính phủ hậu cách mạng, trái ngược với UAE ủng hộ các chủ thể độc tài và phản cách mạng.

Sự thiếu liên kết về địa chính trị giữa hai nước - chủ yếu là do chính sách đối ngoại độc lập sau khi Qatar tìm cách thoát khỏi cái bóng của Saudi Arabia, điều khiến UAE phật ý - đã khiến mâu thuẫn ngày càng gia tăng. Cuối cùng là Bahrain, do ngày càng có xu hướng ngả về UAE trong các vấn đề khu vực nên quốc gia này cũng không vui vẻ gì khi chấp nhận Qatar trở lại.

Mặc dù UAE đã thể hiện sẵn sàng khôi phục quan hệ với Qatar, thể hiện qua các cuộc đàm phán song phương trong những tháng gần đây, nhưng việc này khó có những thay đổi đáng kể. Điểm mấu chốt nằm ở quan hệ với Ai Cập khi Cairo đứng về phía Abu Dhabi trong thế trận phong tỏa Doha.

Kể từ tháng 1/2021, UAE đã tự thể hiện như một nhà hòa giải tiềm năng trong cuộc tranh cãi về nguồn nước sông Nile. Ai Cập và Sudan đều đang phản đối Ethiopia xây đập thủy điện Đại phục hưng (GERD) - đập thủy điện lớn nhất châu Phi trị giá 4,6 tỷ USD.

Giai đoạn 2 của dự án này sẽ được triển khai vào mùa Hè tới, càng khiến Cairo và Khartoum “đứng ngồi không yên.” UAE đã đưa ra một số đề xuất hòa giải, song các quan chức Ai Cập cho rằng chúng thiên về hướng có lợi cho Ethiopia.

Xét cho cùng, UAE đang muốn thúc đẩy quan hệ với Ethiopia, coi nước này là đồng minh quan trọng trong lợi ích địa chiến lược ở vùng Sừng châu Phi.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều yếu tố khác có thể dẫn đến bất đồng gia tăng trong mối quan hệ UAE-Ai Cập, chẳng hạn việc hậu thuẫn bất thành Tướng Khalifa Haftar trong cuộc nội chiến ở Libya, khiến sau đó cả hai quay ra tranh giành ủng hộ một nhà lãnh đạo mới.

Ngoài ra, mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Ai Cập với Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay cũng là một nhân tố gây bất ổn trong GCC, vì UAE vẫn đang có thái độ thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở một khía cạnh khác, Qatar đang nổi lên như một trung gian hòa giải đầy tiềm năng trong cuộc tranh chấp sông Nile. Tháng 5 vừa qua, Doha đã nêu đề xuất này trước thềm cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani và người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry.

Ai Cập chấp nhận đề xuất của Qatar. Xét cho cùng, mặc dù vẫn còn nhiều khác biệt với Qatar, nhưng với Ai Cập lúc này có thêm sự ủng hộ của quốc tế trong cuộc tranh cãi về dự án đập thủy điện của Ethiopia thì vẫn tốt hơn. Ai Cập lo ngại con đập này đe dọa Cairo tiếp cận nguồn nước dồi dào của sông Nile.

Sự lo ngại Qatar xích lại gần hơn với Ai Cập rất có thể sẽ đổ thêm dầu vào ngọn lửa bất bình của UAE đối với Doha, thậm chí kích động thêm chia rẽ giữa 2 nước trong các vấn đề khác ở khu vực. Cần lưu ý rằng UAE đang muốn giảm bớt ảnh hưởng của Qatar, đồng thời tìm cách vun đắp hình ảnh của mình ở khu vực Đông Phi.

Ngoài ra, Thế giới Arab còn nhiều vấn đề khác. Sau khi ký thỏa thuận cho Tunisia vay 2 tỷ USD hồi tháng 5, mới đây Qatar lại đề nghị tiếp tục hỗ trợ Tunisia sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo 2 nước nhằm thiết lập mối quan hệ song phương bền chặt hơn.

Trong bối cảnh Qatar hậu thuẫn cho đảng Hồi giáo Ennahda ở Tunisia, còn UAE ủng hộ các nhân vật đối lập nhằm làm chệch hướng quá trình chuyển đổi dân chủ tại đây, giống như UAE vẫn làm ở những nơi khác, sự khác biệt này có thể là một nhân tố gây bất ổn trong GCC.

UAE đang theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và hướng ngoại, tìm cách thoát khỏi phụ thuộc vào đồng minh truyền thống Saudi Arabia. Điều này thậm chí có thể gây căng thẳng giữa Abu Dhabi và Riyadh trong tương lai.

Đây chính là tình huống đã diễn ra trong cuộc chiến ở Yemen, nơi UAE hậu thuẫn lực lượng ly khai Hội đồng chuyển tiếp miền Nam (STC); gần đây tiếp tục tìm cách tăng cường ảnh hưởng chiến lược đối với các hòn đảo của Yemen nhằm khẳng định vai trò quan trọng của Abu Dhabi ở Biển Đỏ.

Mặc dù Saudi Arabia và UAE hiện vẫn là đồng minh, mối quan hệ này rồi sẽ rạn nứt nếu họ tiếp tục tranh giành ảnh hưởng. Việc này từng xảy ra hồi năm 2014, khi 4 thành viên GCC rút đại sứ khỏi Doha do bất đồng về quan điểm chính trị.

Đây là một trong những yếu tố dẫn tới cuộc khủng hoảng năm 2017, do đó không có gì đảm bảo những căng thẳng mới sẽ không bùng phát trở lại, bất chấp Hội nghị thượng đỉnh Al-Ula vừa qua.

Tóm lại, các bất đồng tạm thời đã được xoa dịu, nhưng chưa biến mất. Vấn đề chỉ là thời gian trước khi mâu thuẫn bùng phát trở lại. Tuy nhiên, lần này có thể sẽ khác, do quan điểm khác nhau giữa UAE với Ai Cập và cả Saudi Arabia.

Có thể không phải là “bộ tứ” chống Qatar, mà chính sách đối ngoại chủ nghĩa cá nhân của UAE sẽ biến nước này thành đối thủ của Qatar, trong khi xung đột âm ỉ dễ khiến UAE đối đầu với Cairo và Saudi Arabia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục