Bất động sản công nghiệp hồi sinh cùng làn sóng đầu tư

Theo VARS, mặc dù biến động trồi sụt của nền kinh tế do ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn là phân khúc tăng trưởng mạnh mẽ và bền bỉ trong nhiều năm trở lại đây.
Một khu công nghiệp ở Bắc Ninh. (Nguồn: TTXVN)

Bất động sản công nghiệp hồi sinh cùng làn sóng đầu tư là nhận định của Hiệp hội Môi giới Bất động sản (VARS) về thị trường.

VARS dẫn chứng Vinhomes IZ - Công ty con thuộc lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Vinhomes đã tăng vốn điều lệ từ 70 tỷ đồng lên 18.500 tỷ đồng chỉ trong 2 năm, gần gấp đôi con số 10.000 tỷ đồng được dự kiến trước đó. Cùng đó, trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ mới đây cùa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, người đứng đầu Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với các doanh nghiệp lớn tại đây và đón nhận nhiều thông tin tích cực.

Điển hình như việc Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết hãng mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng, phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của Apple.

Bên cạnh đó, quý 1/2022, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cùng với chính sách "zero COVID" của Trung Quốc khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng; chuỗi sản xuất đứt gãy, chi phí và thời gian vận tải tăng cao... Qua đó, thúc đẩy nhu cầu cao về kho bãi và nhà xưởng ngay tại các thị trường tiêu thụ, VARS nhận xét.

Trong khi đó, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ổn định, sức mua lớn cùng những chính sách ưu đãi từ Chính phủ giúp Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến mới của các doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia. Năm 2021, bất chấp sức tàn phá của dịch COVID-19, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020; trong đó, riêng lĩnh vực bất động sản đạt 2,6 tỷ USD.

Điểm sáng của thị trường vẫn là phân khúc bất động sản công nghiệp. Theo VARS, mặc dù biến động trồi sụt của nền kinh tế do ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn là phân khúc tăng trưởng mạnh mẽ và bền bỉ trong nhiều năm trở lại đây.

[Nhiều trợ lực giúp thị trường bất động sản công nghiệp tăng tốc]

Đến cuối năm 2022, Bình Dương và Đồng Nai sẽ có thêm 2 Khu công nghiệp mới là VSIP III và AMATA Long Thành hoàn thành hạ tầng và sẵn sàng cho thuê. VSIP III vừa khởi công vào nửa cuối tháng 3/2022, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã đăng ký xây nhà máy trị giá 1 tỷ USD.

Về thị trường nhà xưởng xây sẵn và nhà kho phía Nam cũng có nhiều dự án được xây dựng và sẽ hoàn thành trong năm 2022 với những cái tên nổi bật như SLP, BWID, Khu công nghiệp Việt Nam, JD.com..., cung cấp cho thị trường thêm khoảng 800.000 m2 diện tích kho xưởng.

Nhu cầu lớn khiến tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp phía Nam luôn duy trì ở mức cao (90%), mức giá thuê ổn định nhờ sự tăng trưởng nguồn cung. Riêng tỉnh Long An, nhờ giao thông thuận tiện kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh nên mức giá cho thuê nhà xưởng tăng mạnh so với cùng kỳ từ 21-45%.

Các ngành đang có nhu cầu nhà xưởng lớn bao gồm: kho vận, điện tử, nội thất và thiết bị y tế. Tại khu vực phía Bắc, thị trường bất động sản công nghiệp cũng diễn biến tương tự với tỷ lệ lấp đầy tiếp tục duy trì mức cao ngay trong điều kiện nguồn cung không ngừng mở rộng. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp quý 1/2022 khu vực phía Bắc đạt 85%, tăng 5 điểm phần trăm so với cùng kỳ, nhà xưởng xây sẵn đạt 98%.

Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương, tính đến giữa tháng 2/2022, khu vực miền Bắc đang có khoảng 63.500ha đất công nghiệp được đưa vào quy hoạch với 238 khu, cụm công nghiệp đã hoạt động và đang được xây dựng.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận xét: "Thị trường Việt Nam chứa đựng nhiều yếu tố đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh cao để tìm kiếm địa điểm phù hợp. Bất động sản công nghiệp vẫn tập trung nhiều tại các địa bàn lân cận khu đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và có kết nối thuận tiện với sân bay, bến cảng. Điều này khiến nguồn cung tại các khu vực này trở nên khan hiếm và đẩy giá đất tăng cao.

Tùy vào đặc tính của từng ngành, nhà đầu tư sẽ tìm thấy những cơ hội và lợi thế phát triển khác nhau ở từng địa bàn bởi mỗi lĩnh vực sẽ có những yêu cầu riêng. Nhiều doanh nghiệp ưu tiên các tiêu chí về diện tích lớn, giá đất thấp và khả năng tiếp cận đến cảng biển, sân bay. Do đó, để tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư tại các tỉnh, Việt Nam cần hoàn thiện mạng lưới giao thông, cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế. Từ đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất sẽ được trải đều trong cả nước."

Theo Savills Việt Nam, thời gian qua, các đơn vị phát triển bất động sản đã nắm được khoảng trống về nguồn cung và đang bổ sung thêm sản phẩm trong thị trường. Nhờ vậy, doanh nghiệp sản xuất sẽ có thêm nhiều lựa chọn khi hoạt động tại Việt Nam. Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn phải xem xét các yếu tố môi trường khác nhau, tìm hiểu những địa điểm mà họ muốn triển khai và quá trình nghiên cứu cần khoảng thời gian nhất định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục