Bất động sản công nghiệp được tạo đà nhờ tăng trưởng FDI

Với tốc độ tăng trưởng ổn định, nền kinh tế định hướng xuất khẩu, việc gia tăng các hiệp định thương mại, Việt Nam được kỳ vọng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp.
Bất động sản công nghiệp được tạo đà nhờ tăng trưởng FDI ảnh 1Một khu công nghiệp ở Bắc Ninh. (Nguồn: TTXVN)

Công ty C&W Việt Nam thuộc Cushman & Wakefield - một trong những công ty dịch vụ bất động sản lớn trên thế giới - nhận định kết quả tăng trưởng thương mại nội vùng tại châu Á cho thấy người tiêu dùng trong khu vực sẽ tiêu thụ nhiều hàng hóa được sản xuất tại khu vực này hơn. Điều này sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng sản xuất và hậu cần. Do đó, giai đoạn 2022-2023 sẽ là cơ hội vàng cho Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp.

Hưởng lợi thế từ hiệu ứng tích cực này, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ duy trì đà phát triển mạnh và sớm tăng tốc.

Theo Công ty C&W Việt Nam, mặc dù dịch COVID-19 đã gây ra gián đoạn cho thị trường nhưng nền kinh tế và hoạt động công nghiệp tại Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan trong năm 2021.

Điển hình là hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng giá trị đạt khoảng 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 nhờ các hiệp định thương mại tự do đã được thông qua trước đó; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2021 cũng đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2%.

Trong số 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2021, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 6,11 tỷ USD, chiếm 40% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Nhật Bản với 2,79 tỷ USD, chiếm 18,3%.

Năm 2021, Việt Nam cũng ghi nhận nhiều dự án FDI nổi bật như: Nhà máy dược phẩm 3/2 của Singapore với số vốn 3,1 tỷ USD đầu tư tại Khu công nghiệp Đông Nam Á, tỉnh Long An; LG Display Hải Phòng của Hàn Quốc với số vốn 2,1 tỷ USD đầu tư vào Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng; Polytex Far Eastern đến từ Đài Loan (Trung Quốc) với 1,37 tỷ USD vào Khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương; Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II của Nhật Bản có vốn đầu tư 1,31 tỷ USD tại quận Ô Môn, Cần Thơ; Tập đoàn LEGO Đan Mạch đầu tư 1 tỷ USD tại Khu công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương; Nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina Nhật Bản với tổng vốn đăng ký 611,4 tỷ USD tại Khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc...

Dòng vốn FDI đến từ cả vốn đăng ký mới và tăng vốn đã thể hiện cam kết vững chắc và niềm tin tích cực của các nhà đầu tư vào triển vọng thị trường công nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý, dòng vốn FDI giờ đây không chỉ tập trung vào các khu kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam mà còn lan rộng ra các khu vực đầy tiềm năng như Quảng Trị, Nghệ An và Hà Tĩnh. 

[Phân khúc nào sẽ là điểm sáng trên thị trường bất động sản?]

Đánh giá về khả năng đáp ứng của phân khúc bất động sản công nghiệp, Công ty C&W Việt Nam cho biết tính đến hết quý 4/2021, tổng nguồn cung đất công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ổn định ở mức xấp xỉ 2.500 ha. Tỷ lệ lấp đầy không đổi so với các quý trước đó.

Với tốc độ tăng trưởng ổn định, nền kinh tế định hướng xuất khẩu, việc gia tăng các hiệp định thương mại tự do, lực lượng lao động trẻ, chính sách ưu đãi đầu tư và vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp.

Giá thuê tại khu vực này tiếp tục có xu hướng tăng. Giá chào thuê trung bình tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt mức 4.308.000 đồng/m2/kỳ, tương đương 186 USD/m2/kỳ, tăng khoảng 3% so với năm trước, chủ yếu do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng.

Hiện giá thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu toàn quốc khi mức giá cao hơn 31% so với Hà Nội, 35% so với Long An, 72% so với Bình Dương, 79% so với Đồng Nai và gần gấp đôi mức giá tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tại thị trường Hà Nội, tổng diện tích đất công nghiệp vẫn ở mức hơn 1.800ha, không đổi so với quý trước và theo năm. Tỷ lệ lấp đầy giữ ổn định so với các quý trước. Hầu hết các dự án hiện tại đều đã được lấp đầy hoặc có diện tích cho thuê hạn chế.

Hiện mức giá chào thuê trung bình tại Hà Nội đạt 3.295.000 đồng/m2/kỳ, tương đương 142,3 USD/m2/kỳ, giữ ổn định so với quý trước, nhưng tăng 1% so với năm ngoái do giá thuê tăng tại các khu công nghiệp hiện hữu với quỹ đất cho thuê hạn chế.

Giá thuê đất công nghiệp bình quân tại Hà Nội hiện vẫn cao nhất so với các tỉnh phía Bắc, cao hơn Hưng Yên 71%, cao hơn Hải Phòng và Bắc Ninh lần lượt là 48% và 50%.

Trong dài hạn, nhiều công ty đang tìm giải pháp thiết kế lại chuỗi cung ứng và một số nhà sản xuất bắt đầu mở rộng hoạt động tại các thị trường mới để giúp đa dạng hóa sản xuất. Do đó, các thị trường phát triển có thể được hưởng lợi từ việc sắp xếp lại một số yếu tố, nhiệm vụ then chốt của chuỗi cung ứng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục