Bật đèn khi ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và béo phì

Nghiên cứu mới cho thấy tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm làm suy giảm khả năng điều hòa tim mạch và lượng đường trong máu.
Bật đèn khi ngủ mang tới những tác động bất lợi cho cơ thể. (Nguồn: CNN)

Ánh sáng là một tín hiệu quan trọng đối với đồng hồ sinh học con người. Dựa vào ánh sáng, cơ thể con người có thể đồng bộ hóa một cách phù hợp các quá trình sinh học với chu kỳ thời gian ngày và đêm của môi trường bên ngoài.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã tiết lộ rằng việc bật đèn khi ngủ có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe liên quan đến bệnh béo phì ở phụ nữ và bệnh tiểu đường tuýp 2 ở người cao tuổi.

Phát hiện mới nhất của các nhà nghiên cứu ở Mỹ vừa được công bố cho thấy, những người thường tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có khả năng điều hòa tim mạch và lượng đường trong máu kém hơn so với những người ngủ trong bóng tối.

Tiến sĩ Phyllis Zee, đồng tác giả của nghiên cứu với chủ đề “Tiếp xúc với ánh sáng trong khi ngủ làm suy giảm chức năng chuyển hóa của tim” của Trường Đại học Northwestern Feinberg chia sẻ: “Chúng tôi nhận ra ánh sáng, dù chỉ là một lượng khiêm tốn, cũng có khả năng kích thích hệ thống thần kinh, dẫn đến gia tăng nhịp tim và giảm độ nhạy của các tế bào đối với nồng độ insulin trong cơ thể.”

Như thống kê trong báo cáo, Zee và các đồng nghiệp đã nghiên cứu khả năng dung nạp glucose và nhịp tim của 20 người trong hai đêm. Một nửa số người tham gia ngủ cả hai đêm trong ánh sáng mờ, và nửa còn lại ngủ một đêm trong phòng có ánh sáng mờ, một đêm trong phòng có nguồn ánh sáng từ trên cao rọi xuống với độ sáng là 100 đơn vị Lux, tương đương với một ngày u ám.

Kết quả cho thấy mặc dù mức độ melatonin, một loại hormone do cơ thể sản sinh để gây buồn ngủ, ở hai nhóm đối tượng tương tự nhau, song nhóm ngủ qua đêm trong ánh đèn sáng xuất hiện tình trạng kháng insulin cao hơn vào buổi sáng, nhịp tim cao hơn và chỉ số biến thiên nhịp tim thấp hơn.

Do nghiên cứu chỉ được thực hiện qua một đêm và đối tượng nghiên cứu thuộc nhóm có sức khỏe tốt nên khó có thể nhận xét những kết quả nhận được có đáng kể hay không. Tuy nhiên, tiến sĩ Zee cho rằng sự thay đổi lượng insulin trong cơ thể có thể được coi là một thay đổi sinh lý đáng quan tâm, có thể dẫn đến những nguy cơ mắc bệnh cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục