Bắt đầu xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Nhà máy Ethanol Phú Thọ

Các bị cáo mong muốn Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội, xem xét điều kiện về nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thông tin về dự án.
Bắt đầu xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Nhà máy Ethanol Phú Thọ ảnh 1Bị cáo Hoàng Đình Tâm (cựu Kế toán trưởng Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí) khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sáng 27/9, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ do có kháng cáo của các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Hội đồng xét xử trong vụ án gồm 3 người, do Thẩm phán Võ Hồng Sơn làm chủ tọa phiên tòa; đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có hai kiểm sát viên cao cấp là bà Phạm Thị Minh Yến và ông Phạm Quốc Huy.

Trong vụ án này, sau phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) không làm đơn kháng cáo.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) đã rút đơn kháng cáo trước phiên phúc thẩm.

Luật sư xin hoãn, Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiếp tục phiên tòa

Trong phần thủ tục, Chủ tọa phiên phúc thẩm cho biết luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Mai Phương (có kháng cáo liên quan đến vụ án) có đơn xin hoãn tòa với lý do luật sư không đến dự phiên tòa được vì công tác ở địa phương có dịch.

Được Chủ tọa hỏi ý kiến, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Mai Phương cũng đề nghị hoãn phiên tòa do luật sư không đến phiên tòa.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát, Công ty Mai Phương, Hội đồng xét xử đã tiến hành hội ý, đánh giá các ý kiến. Sau đó, Chủ tọa Võ Hồng Sơn cho biết do dịch bệnh, phiên phúc thẩm đã phải hoãn 3 lần. Việc luật sư không dự được phiên tòa không phải là quy định bắt buộc phải hoãn phiên tòa. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục phiên tòa.

[Vụ Ethanol Phú Thọ: Chủ mới biệt thự Tam Đảo đệ đơn kháng cáo]

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, 6 bị cáo kháng cáo gồm Vũ Thanh Hà (sinh năm 1962, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB); Phạm Xuân Diệu (sinh năm 1960, nguyên Tổng Giám đốc PVC); Nguyễn Xuân Thủy (sinh năm 1961, nguyên Phó trưởng Phòng Đầu tư dự án, PVB); Khương Anh Tuấn (sinh năm 1975, nguyên Phó trưởng Phòng Thương mại, PVB); Lê Thanh Thái (sinh năm 1960, nguyên Trưởng Phòng Kinh doanh, PVB); Hoàng Đình Tâm (sinh năm 1981, nguyên Kế toán trưởng PVB).

Cả 6 bị cáo còn lại đều xin Tòa cấp phúc thẩm xem xét miễn trách nhiệm dân sự cho các bị cáo.

Ngoài ra, 3 bị cáo Vũ Thanh Hà, Phạm Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Thủy còn kháng cáo xin giảm khung hình phạt tội danh "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" từ khoản 3 xuống khoản 1 (Điều 224 - Bộ luật Hình sự năm 2015). Bị cáo Lê Thanh Thái xin được hưởng án treo.

Đơn kháng cáo hầu hết các bị cáo đã đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ tội của mình, như phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo và hợp tác với các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, có thái độ ăn năn hối cải, nhận thức rõ sai phạm của mình…

Bắt đầu xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Nhà máy Ethanol Phú Thọ ảnh 2Bị cáo Vũ Thanh Hà (cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí) khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Các bị cáo mong muốn Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội, xem xét điều kiện về nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thông tin về dự án…; từ đó đề nghị Tòa cấp phúc thẩm cân nhắc cho các bị cáo được hưởng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt, giảm khung, điều, khoản, tội danh áp dụng, miễn trách nhiệm dân sự cho các bị cáo.

Ngoài 6 bị cáo kháng cáo nêu trên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Mai Phương đã làm đơn kháng cáo, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét trả lại 3.400m2 đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho công ty.

Trong đơn kháng cáo, Công ty Mai Phương nêu tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện của PVC không yêu cầu được đứng tên chủ sở hữu, sử dụng đối với lô đất 3.400m2 tại Tam Đảo, mà chỉ yêu cầu Tòa án buộc bị cáo Trịnh Xuân Thanh và bị cáo Đỗ Văn Hồng liên đới bồi thường cho PVC số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Tòa cấp sơ thẩm lại tuyên trả lại cho PVC quyền sử dụng 3.400m2 đất tại Tam Đảo nói trên; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xác nhận quyền sử dụng đất cho PVC.

Trong khi đó, lô đất 3.400m2 tại Tam Đảo là do ông Kiều Đào Lâm mua lại bằng tiền cá nhân hợp pháp của ông Lâm đã được cơ quan điều tra xác minh.

Công ty Mai Phương cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét đến quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty Mai Phương, không đánh giá chứng cứ đúng thực tế khách quan, ra quyết định không đúng pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Công ty.

Trước đó, trong các ngày từ 8-15/3, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử và tuyên án phạt các bị cáo trong vụ án này.

Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên án phạt 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" (theo quy định tại Điều 224, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015). Tổng hợp với bản án 30 năm tù trước đó, hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Đinh La Thăng là 30 năm tù.

Bị tuyên phạt về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" cùng với bị cáo Đinh La Thăng còn có 9 bị cáo gồm: Vũ Thanh Hà bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù; Trần Thị Bình (sinh năm 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng; Phạm Xuân Diệu 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Ngọc Dũng (sinh năm 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) 3 năm tù; 3 bị cáo: Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn, Hoàng Đình Tâm cùng bị phạt 30 tháng tù; Đỗ Văn Quang (sinh năm 1972, nguyên Trưởng ban Ban Kinh tế kế hoạch - sau là Ban Kinh tế đấu thầu PVC) bị phạt 28 tháng tù; Lê Thanh Thái 24 tháng tù.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị phạt 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" (theo quy định tại Điều 224, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015) và 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (theo quy định tại Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015), tổng hợp hình phạt đối với 2 tội danh này là 18 năm tù. Tổng hợp với các bản án trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh là tù chung thân.

Bị cáo Đỗ Văn Hồng (sinh năm 1967, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC Kinh Bắc) bị tuyên phạt 4 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (theo quy định tại Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015). Tổng hợp với bản án 13 năm tù trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Đỗ Văn Hồng là 17 năm tù./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục