Một cuộc thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn nhằm kiểm tra độ an toàn và hiệu quả của hai loại vắcxin phòng Ebola đã bắt đầu được tiến hành tại Liberia ngày 2/2.
Cơ quan Đối tác nghiên cứu vắcxin Ebola tại Liberia (PREVAIL) do Mỹ và Liberia phối hợp thành lập gần đây phụ trách cuộc thử nghiệm này.
Trong giai đoạn đầu, mỗi ngày sẽ có 12 tình nguyện viên được tiêm các loại vắcxin cAd3-EBOZ và VSV-ZEBOV tại trung tâm thử nghiệm vắcxin của Viện Redemption ở thủ đô Monrovia, sau đó sẽ mở rộng ra các bệnh viện khác gần Monrovia sau khi tiêm thử nghiệm các vắcxin này cho 600 người đầu tiên.
Dự kiến cuộc thử nghiệm sẽ kéo dài đến tháng 6/2016 và thu hút sự tham gia của 27.000 tình nguyện viên từ 18 tuổi trở lên.
Ngoài thử nghiệm trên những người khỏe mạnh, nhóm nghiên cứu cũng sẽ tìm các tình nguyện viên từ các nhóm có nguy cơ nhiễm Ebola như các nhân viên y tế, những người sống tại các khu vực nhiễm Ebola, những người chôn cất thi thể bệnh nhân…
Hai loại vắcxin trên do các nhà khoa học Mỹ và Canada bào chế. Các vắcxin này đã được thử nghiệm thành công tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu, và được khẳng định là an toàn đối với người tiêm vắcxin.
PREVAIL cho biết những người được tiêm vắcxin có thể có biểu hiện đau nhức, sưng tấy hoặc mẩn đỏ ở chỗ tiêm, hoặc sốt, đau đầu và mệt mỏi, song các tác dụng phụ này chỉ ở mức độ nhẹ và sẽ tự hết.
Trên thị trường thế giới đến nay chưa có vắcxin phòng Ebola dù virus này lần đầu tiên xuất hiện từ những năm 1970. Hiện cũng chưa có phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân nhiễm virus nguy hiểm này.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 9.000 người đã tử vong trong số 22.000 người nhiễm virus Ebola tại Liberia, Sierra Leone và Guinea kể từ khi bùng phát dịch vào tháng 12/2013.
Tuy nhiên, WHO cho biết trong tuần qua, các nước này ghi nhận ít ca nhiễm mới hơn so với con số 100 ca trong tuần trước. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2014, số ca nhiễm mới trong tuần giảm xuống dưới ngưỡng 100 người./.