Ngày 9/11, chính phủ mới của Yemen đã tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức bất chấp sự phản đối của đảng Đại hội nhân dân toàn quốc (GPC) cầm quyền do cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh đứng đầu và các phiến quân Hồi giáo Houthi dòng Shi'ite đang kiểm soát thủ đô.
Hãng tin AFP của Pháp dẫn các nguồn tin tại chỗ cho biết lễ tuyên thệ nhậm chức diễn ra trước sự chứng kiến của Tổng thống Mansur Hadi.
Chính phủ của Yemen có 29 bộ trưởng, bao gồm các thành viên của GPC và một số nhân vật thân cận với nhóm phiến quân Houthi. Trong khi đó, theo hãng tin AP của Mỹ, có 30 bộ trưởng có mặt tại lễ nhậm chức, 3 người vắng mặt và 3 người thuộc GPC từ chối nhậm chức và xin rút khỏi danh sách nội các.
Sau nhiều tuần tranh cãi, các phe phái ở Yemen đã đạt được một thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian, theo đó ông Khaled Bahah được bổ nhiệm làm Thủ tướng và chịu trách nhiệm thành lập chính phủ.
Hôm 8/11, toàn bộ các đảng phái và các nhóm chính trị ở nước này đã nhất trí về một nội các gồm 36 nhà kỹ trị độc lập. Tuy nhiên, GPC cùng phiến quân người Houthi từ chối giải pháp chia sẻ quyền lực này chỉ một ngày sau đó.
Trong một tuyên bố, GPC nêu rõ quá trình thành lập chính phủ mới thiếu sự tham vấn của GPC, vì vậy đảng này quyết định không tham gia vào chính phủ mới, rút các bộ trưởng GPC khỏi các vị trí được bổ nhiệm.
Nhóm phiến quân Houthi cũng từ chối tham gia vào chính phủ mới và cho rằng các điều khoản trong thoả thuận được ký kết đã thất bại.
Yemen rơi vào tình trạng bất ổn kể từ làn sóng biểu tình buộc Tổng thống Abdullah Saleh phải từ chức hồi tháng 2/2012, với việc các nhóm phiến quân Houthi và lực lượng al-Qaeda tìm cách "lấp khoảng trống" quyền lực tại quốc gia vùng Vịnh này.
Những bất ổn tại Yemen, nằm trên tuyến đường vận chuyển then chốt từ kênh đào Suez tới vùng Vịnh, đang khiến cộng đồng quốc tế quan ngại vì có thể đẩy nước này tới bờ vực sụp đổ./.