Bất cập về cơ chế

Bất cập về cơ chế cho hoạt động khoa học-công nghệ

Theo Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, còn nhiều bất cập trong thực hiện cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
Đổi mới cơ chế chính sách nhằm tạo nên bước đột phá cho phát triển khoa học và công nghệ không chỉ là mong muốn của riêng các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, mà còn là mong muốn của toàn xã hội.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), sẽ được kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII thông qua tới đây đã cơ bản giải quyết những bất cập mà khoa học công nghệ đang gặp phải.

Tuy vậy, bên cạnh niềm vui vẫn còn nhiều băn khoăn từ phía các nhà khoa học đòi hỏi những người làm chính sách tiếp tục đổi mới, nhất là trong việc ban hành các văn bản dưới luật nhằm sớm đưa các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Tiền đề tạo bước đột phá

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Trung ương đã đánh giá cao vai trò tích cực của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong suốt thời gian qua, tăng trưởng kinh tế (GDP) của đất nước luôn đạt khoảng 7%. Mặc dù trong vài năm gần đây do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt trên 5% và khoa học công nghệ đã có đóng góp đáng kể trong thành tựu phát triển kinh tế-xã hội nói trên.

Một số lĩnh vực khoa học và công nghệ Việt Nam đã đạt được trình độ của khu vực, như công nghệ sinh học (nhất là ứng dụng trong nông-lâm-ngư nghiệp), công nghệ thông tin, y dược, khoa học cơ bản (toán, lý). Ngoài ra, còn có một số công trình đạt trình độ quốc tế... Năng lực khoa học và công nghệ quốc gia tăng đáng kể từ năm 2000 sau khi Luật Khoa học và Công nghệ được ban hành. Đặc biệt là từ năm 2001, đầu tư Ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ luôn bảo đảm mức 2% hàng năm.

“Chúng ta vẫn duy trì được đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ và trang thiết bị trong một số lĩnh vực khoa học công nghệ quan trọng. Vì vậy, năng lực tiếp thu và sử dụng công nghệ cũng được nâng cao. Với năng lực khoa học và công nghệ quốc gia như hiện nay, Việt Nam có thể đẩy nhanh việc tiếp thu những lĩnh vực công nghệ tiên tiến của thế giới và tạo được những bước đột phá nếu như chúng ta thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 20, nhất là về đầu tư và đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ,” Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải khẳng định.

Khắc phục bất cập trong cơ chế tài chính


Song với tư cách là một người làm khoa học, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học Trương Nam Hải cho rằng vẫn còn nhiều bất cập trong thực hiện cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.

“Chính vì vậy, không chỉ riêng tôi mà tất cả các nhà khoa học đều rất quan tâm đến cơ chế tài chính. Chúng tôi cho rằng cơ chế tài chính hiện nay không phù hợp đối với quản lý các nhiêm vụ khoa học công nghệ, từ việc xây dựng nhiệm vụ, tiến độ cấp vốn, định mức và đánh giá việc chi tiêu để thực hiện nhiệm vụ. Nhiều khi nhiệm vụ đã được phê duyệt nhưng không có kinh phí để thực hiện, hoặc phải chờ ít nhất 1 năm mới có kinh phí, do quá trình lập kế hoạch cứng nhắc. Kế hoạch năm sau phải được chuẩn bị và phê duyệt từ năm trước để đưa vào kế hoạch cấp vốn," Viện trưởng Trương Nam Hải nhận xét.

Về quy định về cơ chế quỹ trong dự thảo Luật Khoa học Công nghệ (sửa đổi), ông Hải cho rằng việc cấp kinh phí cho các đề tài dự án sẽ kịp thời, phù hợp với tiến độ đặt hàng và phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Mặt khác, quản lý tài chính theo cơ chế quỹ sẽ chú trọng đến sản phẩm cuối cùng để đánh giá sự thành công của các nhà khoa học. Đó là sự thay đổi phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Như vậy, sau khi được phê duyệt và ký hợp đồng, các nhà khoa học sẽ được cấp ngay kinh phí để thực hiện. Vì kinh phí của quỹ là thường xuyên, nên việc xem xét, phê duyệt và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu không bị ngắt quãng theo quy hoạch 5 năm như hiện nay.

“Theo tôi, điểm quan trọng nhất cần phải thay đổi đối với cơ chế quản lý hiện nay đó là thay đổi quan điểm về quản lý tài chính đối với các nhiệm vụ khoa học sao cho phù hợp với tính đặc thù của nó,” ông Hải nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Thứ thưởng Nghiêm Vũ Khải nhận định Luật sửa đổi sẽ khắc phục cơ bản những tồn tại trong cơ chế tài chính hiện hành. Một mặt, bảo đảm kỷ luật tài chính, chống thất thoát, mặt khác đã tạo cơ chế phân bổ, sử dụng, kiểm soát việc sử dụng kinh phí phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ tự chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ như việc áp dụng cơ chế khoán chi, áp dụng cơ chế quỹ, cơ chế đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Hạn chế chậm ban hành các văn bản dưới luật

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch Ngô Đức Hoàng cho hay, trong nghiên cứu khoa học, vướng mắc lớn nhất thuộc về các quy định trong Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành. Hiện nay, với dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), nhiều vấn đề đã được giải quyết.

“Một vướng mắc nữa thuộc về các văn bản dưới luật. Những người làm doanh nghiệp chúng tôi đang lo lắng rằng những ưu việt của dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) có đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả hay không. Điều này tùy thuộc vào các văn bản dưới luật, cũng như việc thực thi nghiêm chỉnh các văn bản này,” ông Ngô Đức Hoàng nói.

Ngoài ra, do một số điều khoản trong Dự án luật còn mang tính chủ trương, chưa cụ thể, chưa định lượng như ở điều khoản Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp có ghi rõ doanh nghiệp phải trích lợi nhuận để thành lập quỹ này, nhưng lại không nêu rõ tối thiểu bao nhiêu phần trăm. Con số phần trăm này lại giao cho Chính phủ xác định thông qua các văn bản dưới luật... Điều này đòi hỏi phải có nhiều văn bản, thông tư dưới luật cụ thể hóa các điều khoản nói trên. Ở Việt Nam, đôi khi các văn bản này thường chậm phát hành hoặc không cụ thể hóa được, dẫn đến Luật sẽ chậm đi vào cuộc sống./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục