Ngày 1/8, trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Nghệ An) chủ trì, phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 7 con hổ trái phép từ huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đi vào địa bàn Nghệ An để tiêu thụ.
Sau đó, những con hổ này đã được lực lượng chức năng bàn giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (Vườn Quốc gia Pù Mát) tiếp nhận để chăm sóc, nuôi dưỡng.
Từ đó đến nay, hổ lớn dần lên, kéo theo những khó khăn, bất cập cho chính đơn vị tiếp nhận.
Nỗ lực chăm sóc hổ
Hổ là loài động vật hoang dã nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, mọi hành vi nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép đều bị pháp luật xử lý nghiêm.
Nhớ lại ngày đầu khi nhận bàn giao số hổ trên, ông Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, ban đầu, đơn vị cũng rất ngại vì cảm nhận được cơ sở vật chất tại trung tâm không đảm bảo cho việc chăm sóc, nuôi hổ.
Tuy nhiên, do đây là trung tâm cứu hộ động vật hoang dã duy nhất của nhà nước trên địa bàn tỉnh, nên đơn vị đã nhận bàn giao số hổ này để nuôi, chăm sóc.
Thời điểm đó, các con hổ này đang nhỏ, Trung tâm đã sử dụng chuồng cứu hộ của các loài thú ăn thịt nhỏ để đưa số hổ này về nuôi nhốt. Tuy nhiên, đến nay qua hơn 3 tháng, các con hổ này đã lớn lên, việc giữ lại để chăm sóc là không đáp ứng được.
Lúc mới đưa về, trọng lượng con hổ lớn nhất là 4,5kg, con nhỏ nhất 2,9kg, tuy nhiên đến nay con lớn nhất đã nặng tới 25kg, con nhỏ nhất 20kg. Hiện số hổ này được nuôi, chăm sóc chu đáo và đang lớn lên theo thời gian.
Là người trực tiếp chứng kiến việc bàn giao, sau đó là chăm sóc, nuôi dưỡng số hổ này, anh Đặng Thanh Tuấn, nhân viên chăm sóc động vật hoang dã của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (Vườn Quốc gia Pù Mát) cho biết, các con hổ này được cứu hộ đưa về trung tâm trong tình trạng còn nhỏ, quy trình ban đầu là phải cho bú sữa hoàn toàn.
[Bảy cá thể hổ được Vườn Quốc gia Pù Mát chăm sóc đang phục hồi tốt]
Khoảng hơn một tháng đầu khi mới tiếp nhận, hổ bị bệnh tiêu chảy, mệt mỏi, sức khỏe yếu. Trung tâm đã tích cực chăm sóc, tiêm truyền, cho uống sữa hàng ngày. Lúc đầu, nhân viên cho uống sữa 6 lần/ngày, cứ 4 tiếng cho uống một lần, tuân thủ đúng quy trình, quy định trong việc chăm sóc hổ khi mới đưa về nuôi tại Trung tâm.
Sữa dùng cho hổ uống phải là loại sữa của nước ngoài, sữa đặc biệt dành riêng cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc các loại động vật họ thú mèo chứ không dùng được loại sữa khác.
Qua khảo sát chỉ có loại sữa này mới phù hợp với chế độ dinh dưỡng của hổ khi đường tiêu hóa của chúng có vấn đề.
Qua hơn một tháng chăm sóc, lượng sữa được hổ tiếp nhận ổn định dần, lúc đó hổ bắt đầu tăng cân đều, sức khỏe ổn định, Trung tâm chuyển sang chăm sóc giai đoạn 2 - cho ăn dặm
Anh Đặng Thanh Tuấn cho biết, quy trình cho hổ ăn dặm rất kỳ công, đầu tiên là bằng nước sữa thịt bò. Thịt bò luộc lên lấy nước pha với sữa cho hổ uống để hổ tập làm quen với dinh dưỡng từ thịt bò.
Sau một tuần, các con hổ này đáp ứng tốt, sau đó chuyển sang cho ăn thịt bò tái, xen kẽ với uống sữa, đến nay đã chuyển sang ăn thịt hoàn toàn.
Về chi phí ăn uống cho hổ, anh Đặng Thanh Tuấn cho biết, theo tính toán, tháng đầu tiên hết trên 50 triệu đồng tiền mua sữa, đến thời điểm hiện tại hết khoảng 70 triệu đồng tiền thức ăn.
Hổ càng ngày càng lớn, nhu cầu lượng thức ăn đáp ứng càng lớn hơn, đồng nghĩa với việc chi phí mua thức ăn càng nhiều hơn.
Ngoài vấn đề thức ăn như phân tích trên, việc chăm sóc hổ cũng phải tuân thủ đúng quy định về an toàn cho nhân viên chăm sóc, điều kiện vệ sinh, môi trường...
Trước đây, khi hổ còn nhỏ có thể nuôi nhốt 2-3 con vào chung một chuồng nhưng hổ càng ngày càng lớn, bản năng và sinh hoạt cũng khác trước, gây mất an toàn cho nhân viên chăm sóc nếu nhốt chung một chuồng, không đảm bảo quy định về diện tích, quy mô chuồng và khu vực nuôi nhốt.
Mặt khác, chuồng hổ phải được dọn 2 lần/ngày, nếu không được dọn dẹp, lau chùi kịp thời sẽ không đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sinh trưởng của hổ. Vì vậy, hàng ngày, nhân viên Trung tâm phải dọn dẹp vệ sinh chuồng nuôi một cách cẩn thận.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, trên thực tế, quy chuẩn chuồng nuôi hổ về diện tích, quy mô và các vấn đề khác có liên quan đã được Nhà nước ban hành.
Tuy nhiên, thực tế tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (Vườn Quốc gia Pù Mát) đến nay chưa đáp ứng được theo đúng quy chuẩn này. Chuồng nuôi ở đây đang rất nhỏ, chật hẹp, khu vực nuôi không đảm bảo.
Lời giải cho bài toán cứu hộ hổ
Ông Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, khó khăn hiện nay Trung tâm đang gặp phải trong việc nuôi, chăm sóc hổ nói riêng và các loài động vật hoang dã khác nói chung là nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất.
Với diện tích và quy mô chuồng nuôi như hiện nay, Trung tâm không đáp ứng được cho việc cứu hộ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là những vụ việc mà cơ quan chức năng bắt giữ hoặc cùng lúc có nhiều loại động vật thu giữ bàn giao cho đơn vị.
Là Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã duy nhất của Nhà nước trên địa bàn, nhưng diện tích chuồng nuôi và quy mô chuồng trại... không đáp ứng được để nuôi nhốt các con hổ đang lớn dần lên.
Ngoài khó khăn về chuồng nuôi, chăm sóc, hiện nay nguồn kinh phí phục vụ việc này cũng là vấn đề lớn đặt ra. Thực tế, tất cả các hoạt động của Trung tâm được duy trì từ nguồn kinh phí ngân sách của tỉnh cấp hàng năm (khoảng từ 400-500 triệu đồng/năm).
Nếu có nhiều động vật hoang dã đưa đến cho Trung tâm cứu hộ và nuôi, chăm sóc, đồng nghĩa với kinh phí để duy trì hoạt động, mua thức ăn chăm nuôi động vật và chi trả lương cho nhân viên, các khoản chi khác sẽ tăng lên. Với khoản kinh phí được phân bổ như vậy sẽ rất khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết thêm, khi các con hổ này trưởng thành, việc nuôi tại Trung tâm sẽ không đáp ứng được. Vì vậy, Vườn đang đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh trước mắt cho chủ trương chuyển các con hổ này đến trung tâm cứu hộ khác ở ngoài tỉnh có chức năng, nhiệm vụ cứu hộ, đáp ứng được việc nuôi, chăm sóc hổ.
"Đây là khó khăn của Vườn và cũng là khó khăn của tỉnh. Vì vậy, Vườn đã đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh cho mở rộng quy hoạch trung tâm cứu hộ này cũng như đầu tư một số cơ sở vật chất, chuồng trại đủ lớn, đáp ứng cho việc cứu hộ, nuôi, chăm sóc động vật hoang dã, đặc biệt là các loài thú lớn cần cứu hộ, nuôi, chăm sóc," ông Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Việc đầu tư mở rộng Trung tâm không chỉ đáp ứng cho việc nuôi nhốt, chăm sóc động vật hoang dã, mà còn tạo nên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học trong Vườn Quốc gia Pù Mát; kết hợp xây dựng một số phân khu chức năng có đủ điều kiện, đủ lớn về mặt diện tích, quy mô phục vụ việc nuôi nhốt, chăm sóc động vật hoang dã gắn với phát triển du lịch, phục vụ khách tham quan.
Làm được những việc trên mới mong giải được bài toán cứu hộ, nuôi nhốt, chăm sóc một cách bền vững, đúng quy định các loài động vật hoang dã nói chung và hổ nói riêng trên địa bàn Nghệ An./.