Bất bình đẳng thu nhập toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng

Tình trạng bất bình đẳng đã gia tăng nhanh chóng kể từ khi quá trình toàn cầu hóa bắt đầu xuất hiện vào những năm 80 của thế kỷ 20.
Bất bình đẳng thu nhập toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khoảng cách giàu nghèo trên toàn thế giới hiện nay đang ở mức tương tự như thập niên 20 của thế kỷ 19 và đây là một trong những vấn đề "đáng lo ngại" nhất trong 200 năm qua.

Trong báo cáo đánh giá về sự thịnh vượng toàn cầu trong 2 thế kỷ qua được công bố ngày 2/10, OECD lưu ý rằng tình trạng bất bình đẳng đã gia tăng nhanh chóng kể từ khi quá trình toàn cầu hóa bắt đầu xuất hiện vào những 80 của thế kỷ 20.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát về mức thu nhập ở 25 quốc gia và so sánh nó với thời điểm năm 1820. Kết quả cho thấy sự bất bình đẳng về thu nhập đã giảm xuống nhanh chóng trong những năm giữa thế kỷ 20, thời điểm mà OECD gọi là "cuộc cách mạng về bình đẳng". Đây cũng chính là thời kỳ các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu phát triển. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.

Báo cáo dài 269 trang của OECD khẳng định: “Sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập một cách nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu là một trong những vấn đề lớn và đáng lo ngại nhất trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới trong 200 năm qua."

Theo chuyên gia kinh tế người Hà Lan, Jan Luiten van Zanden, báo cáo của OECD đã đưa ra một bức tranh tương tự như lời cảnh báo ảm đạm về tương lai thế giới trong cuốn sách gây nhiều tranh cãi và đang bán chạy nhất hiện nay là cuốn "Tư bản trong Thế kỷ 21" (The Capital of Twenty-First Century) của nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty.

Báo cáo OECD cũng đề cập tới những xu thế của thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, bất bình đẳng, an toàn cá nhân, cũng như môi trường trong 200 năm qua nhằm xây dựng một bức tranh toàn cảnh về sự thịnh vượng toàn cầu.

OECD kết luận: “Sự thịnh vượng của con người nhìn chung đã tăng lên kể từ đầu thể kỷ 20 ở phần lớn các khu vực trên thế giới”. Chẳng hạn như tuổi thọ trung bình của con người đã tăng từ dưới 30 tuổi vào năm 1880 lên gần 70 tuổi vào năm 2000. Tỷ lệ biết đọc cũng tăng lên đáng kể, từ dưới 20% vào năm 1820 lên tới 80% hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục