Barclays siết chặt cho vay đối với hoạt động sản xuất điện từ than đá

Barclays tuyên bố sẽ dừng tài trợ tất cả công ty khai thác cát dầu, cũng như các đường ống dẫn cát dầu mới, dù trước đó ngân hàng này cho biết sẽ hợp tác với những công ty nỗ lực cắt giảm khí thải.
Biểu tượng của Ngân hàng Barclays. (Ảnh: Reuters)

Ngân hàng Barclays của Anh ngày 15/2 thông báo sẽ siết chặt các tiêu chuẩn cho vay đối với hoạt động sản xuất điện từ than đá, đồng thời sẽ dừng tài trợ cho việc thăm dò và sản xuất cát dầu.

Trong buổi thông báo kết quả kinh doanh năm 2022, Barclays tuyên bố sẽ dừng tài trợ tất cả các công ty khai thác cát dầu, cũng như các đường ống dẫn cát dầu mới, dù trước đó ngân hàng này cho biết sẽ hợp tác với những công ty đang nỗ lực cắt giảm khí thải.

Barclays cũng đặt mục tiêu cắt giảm khí thải đầu tiên đối với ngành sản xuất ôtô với cam kết giảm lượng phát thải từ 40-64% vào năm 2030 so với mức cơ sở năm 2022.

Đối với lĩnh vực nhà ở, Barclays dự kiến cắt giảm 40% lượng khí thải vào năm 2030, tuy nhiên ngân hàng cho biết đây không phải là một mục tiêu bởi việc khử carbon cho các công trình dân sinh còn phụ thuộc vào những thay đổi lớn hơn nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng.

Ngân hàng cho biết đang tiếp tục nỗ lực đáp ứng các mục tiêu 2030 với việc giảm khí thải được tài trợ cho các ngành năng lượng, điện và thép.

Lượng khí thải thực tế do các khách hàng năng lượng của Barclays tạo ra đã giảm 32% kể từ năm 2020, đưa ngân hàng này đi đúng hướng nhằm đạt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải vào năm 2030

[Tập đoàn năng lượng nhất Australia tuyên bố từ bỏ than đá vào năm 2035]

Tuy nhiên, Barclays thừa nhận rằng điều này có được nhờ các khách hàng năng lượng dồi dào tiền mặt cần ít hỗ trợ tài chính hơn vào năm 2022.

Theo thông báo trước đây của Barclays, ngân hàng này có kế hoạch dần loại bỏ việc tài trợ cho các khách hàng tham gia vào sản xuất điện từ than đá tại Anh và Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2030.

Barclays đã mở rộng kế hoạch này, theo đó áp dụng với cả các nước khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Các ngân hàng trên toàn cầu đang công bố kế hoạch cắt giảm khí thải nhằm đóng góp nỗ lực hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường cáo buộc các thể chế tài chính này hành động quá chậm chạp và kêu gọi họ dừng tài trợ cho các dự án khoan dầu khí mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục