Hóa giải tiqui-taca?

Barca-M.U: Làm thế nào để hóa giải tiqui-taca?

Như một bổ đề chưa được chứng minh, hóa giải tiqui-taca trở thành thách thức lớn nhất với ngay cả những bộ óc bóng đá siêu việt.

Như một bổ đề chưa được chứng minh, như một thế cờ chưa bị phá, hóa giải tiqui-taca của Barca trở thành thách thức lớn nhất, nhiệm vụ ám ảnh nhất với ngay cả những bộ óc bóng đá siêu việt nhất...

Không có gì bí mật...

Những ai từng xem bóng đá đều có thể biết đêm nay Barca sẽ chơi như thế nào. Họ sẽ ra sân với đội hình 4-3-3, với Messi di chuyển tự do trên hàng tiền đạo, Pedro, Villa hỗ trợ từ hai cánh còn Xavi, Iniesta và Busquets hợp thành tam giác ở giữa sân. Từ vòng tròn trung tâm, Xavi sẽ liên tục di chuyển, không ngừng đánh mắt tìm kiếm đồng đội, luôn sẵn sàng tung ra những đường chuyền đủ mọi cự ly. Iniesta sẽ hoạt động rộng hơn, len lỏi giữa các tuyến của đối phương, khiến họ rối loạn, rồi bất thần chọc khe hay đột phá thẳng vào vòng cấm. Thấp hơn một chút, Busquets về cơ bản sẽ đóng vai trò của một máy quét, luôn luôn sẵn sàng có mặt ở những điểm nóng để can thiệp, nhưng anh cũng là một phần không thể thiếu của tiqui-taca, với khả năng xử lý một chạm thuộc hàng xuất sắc.

Khi bộ ba tiền vệ của Barca có bóng, những vệ tinh xung quanh sẽ tích cực di chuyển để tìm cho mình vị trí thuận lợi nhất. Messi sẽ thường xuyên lùi xuống để nhận bóng, tham gia điều phối lối chơi, và khi có cơ hội sẽ khiến đối phương trở tay không kịp với những pha đi bóng ma thuật của mình. Ở phía trên, Villa và Pedro sẽ dạt hẳn ra biên, chờ khi hàng thủ đối phương bị hút hẳn về một phía rồi âm thầm đột nhập vào vòng cấm để nhận những quả chọc khe “chết người” từ các tiền vệ. Bên cánh phải, Alves sẽ chơi như một tiền vệ thứ tư, luôn trong tư thế sẵn sàng lao lên đón những đường chuyền loại cả hàng thủ đối phương từ các đồng đội. Khi cần, hậu vệ người Brazil sẽ di chuyển vào giữa, phối hợp một-hai với Messi, lòn xuống căng ngang hoặc dứt điểm ngay.

Không chỉ có cách sắp xếp đội hình, khả năng, thói quen của từng cầu thủ, ngay cả phương châm chơi bóng của Barca cũng là bất biến. Phương châm ấy rất rõ ràng: Tôi có bóng tức tôi tồn tại. Và Barca sẵn sàng làm tất cả để có bóng. Các tiền đạo và tiền vệ của Barca sẽ bố ráp đối phương ngay khi vừa mất bóng, khiến họ thường không còn sự lựa chọn nào khác là phá lên một cách vô thức. Các hậu vệ của Barca sẽ không bao giờ vội vàng đưa quả bóng lên trên, và đôi khi sẵn sàng mạo hiểm để giữ cho nó khỏi trôi ra đường biên. Ngay cả thủ môn của Barca cũng được chỉ thị chỉ phát bóng dài khi không còn lựa chọn nào khác. Kể cả lúc được đá phạt hay đá góc, các cầu thủ Barca cũng cố thực hiện nhanh, với mục đích duy nhất là giữ bóng trong chân.

Nhưng cũng không thể bị hóa giải

Barca là thế. Họ chẳng có gì để làm bí mật, và cũng chẳng có vẻ gì là muốn giấu diếm những quân bài của mình. Nhưng suốt ba năm qua, Barca ấy cứ đứng đó, sừng sững như một pháo đài bất chấp biết bao nỗ lực công phá từ những kẻ thù của họ. Như một bổ đề chưa được chứng minh, như một thế cờ chưa bị phá, hóa giải tiqui-taca của Barca trở thành thách thức lớn nhất, nhiệm vụ ám ảnh nhất với ngay cả những bộ óc bóng đá siêu việt nhất. Hiddink từng tiến rất sát tới thành công, trước khi một phút lóe sáng của Iniesta làm hỏng tất cả. Mourinho từng cùng Inter loại Barca ở Champions League, rồi cùng Real Madrid đánh bại họ ở Cúp Nhà Vua. Nhưng ngay cả hai vị huấn luyện viên tài ba ấy cũng không dám vỗ ngực nói rằng họ biết cách khắc chế Barca. Và thực tế là như thế.

Tôn Tử từng viết trong cuốn binh pháp mang tên ông được truyền tụng ngàn đời, rằng “tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng” (“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”). Hai năm trước, M.U thua vì không biết mình biết người. Không hiểu rõ đối thủ, lại được xếp cửa trên, M.U đã chọn cách chơi tự sát là lao lên tấn công, và kết quả là sau khi nhận bàn thua choáng voáng từ chân Eto'o, họ chỉ còn biết ngây người nhìn đối phương “đá ma” trong suốt thời gian còn lại. Sau trận, huấn luyện viên Alex Ferguson, trong một dịp hiếm hoi không nói về trọng tài, bảng tỉ số, may mắn..., chỉ còn biết thốt lên ngỡ ngàng: “Họ như thể muốn giữ bóng cả buổi tối”. Bây giờ, ông đã biết là ở Wembley, Barca sẽ cố và sẽ giữ được bóng cả buổi tối. Nhưng từ hiểu Barca tới khắc chế được họ vẫn còn cả một chặng đường dài...

 
187
Trong 187 trận dưới thời Guardiola, Barca luôn là đội kiểm soát bóng nhiều hơn. Và khả năng giữ bóng của họ tăng dần theo từng năm. Mùa đầu tiên, tỉ lệ giữ bóng trung bình của họ là 65,5%. Sang mùa tiếp theo là 66,6%. Và mùa này là 71,1%.

62%

Ở Champions League mùa này, Barca vẫn là đội có tỉ lệ kiểm soát bóng cao nhất. Tỉ lệ này ở đội bóng của Pep là 62%. Xếp ngay sau Barca chính là M.U, với 58%.

106,9

Ở Champions League mùa này, Xavi trung bình mỗi trận tung ra 106,9 đường chuyền. Đây là thành tích tốt nhất trong số các cầu thủ dự giải. Trong trận Chung kết ở Rome 2 năm trước, Xavi cũng là người chuyền nhiều nhất trận, với 80 đường chuyền (chính xác 75, tỉ lệ 94%).

Việt Cường (TTVH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục