Báo Xuân – nét văn hóa đặc biệt của Tết Việt Nam

Đã thành thông lệ, hằng năm cứ độ Tết đến Xuân về không chỉ những người làm báo mà các độc giả luôn háo hức chờ đợi sự ra mắt của những tờ báo Xuân.
Các ấn phẩm trưng bày tại Hội báo Xuân Kỷ Hợi 2019. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)

Từ rất sớm, những người làm báo ở Việt Nam đã chăm chút những tờ báo Xuân để mang lại cho người đọc những ấn phẩm đặc biệt trong những ngày Tết đến, Xuân về. Vượt ngoài vai trò của một sản phẩm báo chí, những giai phẩm Xuân đã trở thành một nét văn hóa đặc biệt và cũng có thể nói là riêng biệt của ngày Tết Việt Nam.

Đã thành thông lệ, hằng năm cứ độ Tết đến Xuân về không chỉ những người làm báo mà các độc giả luôn háo hức chờ đợi sự ra mắt của những tờ báo Xuân.

Nếu lấy mốc Nam phong Tết Mậu Ngọ (1918) là tờ báo Xuân đầu tiên thì đến nay “phong tục” hay “truyền thống” làm báo Xuân đã hơn 100 năm. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tuấn thì Tết năm 1918, Nam phong tạp chí cho ra một tuyển tập thơ văn như một thứ giai phẩm Xuân.

Cụ Vương Hồng Sển cho rằng có thể xem đó là “thủy tổ các số báo Xuân, báo Tân niên, báo đặc biệt” ở Việt Nam (Thú chơi sách, Nhà xuất bản Mỹ thuật, Thành phố Hồ Chí Minh).

Nam Phong tạp chí (Ngọn gió Nam) là dạng nguyệt san do L. Marty, một người Pháp rất thông thạo tiếng Việt sáng lập; chủ bút là học giả Phạm Quỳnh đã ra mắt “số Tết 1918” (và cũng là số Tết duy nhất của tạp chí này) với lối trình bày khác biệt, không đánh số thứ tự theo thường lệ.

[Đổi mới công tác tổ chức để tạo sức hút cho Hội Báo toàn quốc]

Toàn bộ số Xuân Nam Phong tạp chí có 126 trang, bìa màu vàng cam nhạt, có vẽ hình hai ông già, một sáng và một mờ, tay cầm cành đào tượng trưng cho hai vị Hành khiển phán quan Mậu Ngọ (cầm nhánh đào tươi) và Đinh Tỵ (cầm nhánh đào không có bông) bàn giao ấn tín cho nhau.

Trong số Tết này của Nam Phong tạp chí, tất cả các bài viết đều nằm trong khung hoa, có nhiều tranh minh họa và không có quảng cáo.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn, “về ngữ nghĩa, giai phẩm tức là ấn phẩm hay và đẹp. Thể loại này thường được giới làm báo người Việt thích cùng nhau soạn và cho ra mắt độc giả vào mùa Xuân, vào dịp Tết âm lịch. Đó cũng là cách người cầm bút Việt thể hiện tâm lý đón Tết đón Xuân của dân tộc mình.”

Lật xem những trang báo Xuân cũ đã nhuốm màu thời gian thì thấy hầu hết báo Xuân trước đây đều tập trung nhiều nhất vào chủ đề phong tục tập quán của ngày Tết, giới thiệu văn hóa, thành tựu về các lĩnh vực của nước nhà với mật độ vô cùng đậm đặc. Nhưng rất hiếm thấy trang bìa báo Xuân trước đây dùng ảnh, mà phần nhiều là sử dụng tranh minh họa.

Trong những khuôn báo Xuân xưa luôn có những bài vở mang tính hoài niệm, hồi tưởng những cái Tết đã qua ở mọi hoàn cảnh, từ Tết trong vùng kháng chiến, Tết ở đảo xa cho đến Tết trên miền thượng du... Hay như dạng phản ánh cái Tết của mọi tầng lớp trong xã hội, điển hình là giới làm báo, giới nghệ sỹ, giới chính khách…

Báo Xuân ngày xưa thường thoát ra khỏi dòng thời sự thường nhật, không có nhiều bài đề cập đến các vấn đề chính trị, chiến sự, mà thường đề cao yếu tố xúc cảm nhân văn, hướng đến những suy tư và gợi mở không khí Tết qua những chủ đề, cụm nội dung hướng bạn đọc đến sự vui tươi, tinh thần lạc quan... Đặc biệt, những bài viết về đời sống xã hội, tâm tình ngày Tết thường chiếm “đất” nhiều hơn trên các mặt báo số Tết.

Bên cạnh đó, có tờ báo xuân ngày xưa lại kèm thêm cả phụ bản - là những tranh mộc bản in màu của những họa sĩ nổi tiếng. Trang phụ bản thường in rời và nội dung các tranh phụ bản thường có chủ đề về mùa xuân như thiếu nữ với hoa Xuân, hay vẽ các con vật tượng trưng cho con giáp trong năm hoặc cũng có khi là sự biến tấu của một bức tranh dân gian... do đó độc giả có thể lấy dán lên tường, làm tranh trang trí trong mấy ngày Tết. Và chính điều đó đã tạo nên sự hấp dẫn của báo Xuân xưa.

Và khi kỹ thuật và công nghệ hình ảnh chưa phát triển như hiện nay, người họa sĩ chính là những người trau chuốt để tạo ra “bộ mặt” đẹp nhất, ấn tượng nhất cho mỗi ấn phẩm báo Xuân. Các họa sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực vẽ bìa báo Xuân thường được nhắc đến như những người làm nên “linh hồn” cho những trang báo Xuân xưa.

Trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi của thời cuộc đã tạo nên diện mạo và nét riêng biệt cho mỗi số báo Xuân.

Nhưng vẫn có thể nhận thấy những nét tương đồng với tinh thần làm báo Xuân ngày xưa. Đó là phần nào phản ánh diện mạo tâm hồn của con người trước thời cuộc. Báo Xuân thường là sự huy động tư duy sáng tạo từ người viết cho đến người thiết kế nội dung, trình bày trang báo.

Bên cạnh đó, những tờ báo Xuân thường là nơi tập hợp những tên tuổi quan trọng làm nên giá trị hay thương hiệu của các tờ báo, những cây bút có sức ảnh hưởng với công chúng và có khả năng thực hiện những chủ đề chuyên sâu về thời thế, lối sống, văn hóa xã hội...

Và không biết từ bao giờ, nét văn hóa ngày Tết của người Việt ngoài thịt mỡ-dưa hành-câu đối đỏ thì báo Xuân như là một “món ăn” tinh thần không thể thiếu của nhiều người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục