Tối 30/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ trao Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII nhằm tôn vinh các các cơ quan thông tấn, báo chí và các nhà báo có những đóng góp tiêu biểu trong thông tin, tuyên truyền cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Tham dự lễ trao giải có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Thị Sự, cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương.
Với nhiều thông tin phản ánh toàn diện về tình trạng phát triển “nâu” gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, qua đó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, cũng như đưa ra được nhiều giải pháp căn cơ cấp bách góp phần ngăn chặn các hiểm họa phá môi trường trong tương lai, loạt bài “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế” của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng, Nguyễn Hoài Nam (Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam) đã được trao giải B.
Đây là lần thứ 3 phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus gửi tác phẩm tham dự giải và cả 3 lần đều được nhận giải thưởng.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết giải thưởng được tổ chức định kỳ 2 năm/lần nhằm vinh danh những phóng viên báo chí có thành tích xuất sắc, luôn sẵn sàng và đồng hành trong các hoạt động thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng góp phần vào sự nghiệp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn góp phần phát triển bền vững đất nước.
Báo VietnamPlus đoạt giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam 2024
Báo Điện tử VietnamPlus đoạt giải C với chùm bài “Từ lời kêu gọi thắp sáng vùng cao của Đảng đến kỳ tích giáo dục Điện Biên” của nhóm tác giả Phạm Thị Mai, Cao Thùy Giang.
Trải qua 7 lần tổ chức, Giải thưởng Báo chí về Tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động tổ chức đã trở thành giải thưởng uy tín, thu hút được sự quan tâm các nhà báo, phóng viên, biên tập viên và các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình trên cả nước.
Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII đã nhận được 429 tác phẩm dự thi với 940 bài viết, phóng sự của trên 300 tác giả, nhóm tác giả thuộc 4 loại hình: báo điện tử, báo in, phát thanh và truyền hình, trong đó có nhiều bài viết nhiều kỳ, loạt bài.
Đặc biệt các tác phẩm dự thi năm nay trọng tâm, trọng điểm vào công tác triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, ý kiến của người dân và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng các Luật Tài nguyên nước 2023, Luật Đất đai 2024, Luật Địa chất và Khoáng sản 2024; ứng phó với thiên tai khắc nghiệt; không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế; sử dụng bền vững tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước và các chủ trương, chính sách để thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050…. Qua đó cho thấy sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí, chính quyền, nhân dân các cấp đối với công tác của ngành tài nguyên và môi trường.
Các tác phẩm báo chí dự thi lần này đều mang tính thời sự cao, tính phát hiện, phản biện sâu sắc, bám sát vấn đề, phản ánh toàn diện, khách quan, trung thực về những vấn đề trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền những mô hình hay, những hình ảnh tích cực trong xã hội về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Sau nhiều vòng lựa chọn, hội đồng chung khảo đã lựa chọn được 36 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Các tác phẩm được lựa chọn là các tác phẩm có điểm số cao, đầu tư công phu nhiều kỳ, đề tài đa dạng về các lĩnh vực của Ngành tài nguyên và môi trường đang được dư luận, cộng đồng quan tâm.
Trong số đó, loạt bài “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế” của Báo Điện tử VietnamPlus đã được trao giải B (loại hình báo điện tử). Đây là loạt bài mà phóng viên đã theo đuổi triển khai trong suốt 5 năm trời, với hy vọng để không xảy ra một Formosa thứ hai.
Trên cơ sở thông tin phóng viên ghi nhận được trong quãng thời gian dài đi thực tế tìm hiểu, cùng ý kiến của lãnh đạo các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương, các đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia môi trường, cuối tháng 12/2022, Báo Điện tử VietnamPlus đã xây dựng loạt bài viết “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế.” Qua đó nhấn mạnh đã đến lúc cần phải có một “cuộc cách mạng xanh” bền vững hơn cho tương lai của người Việt. Đầu tiên là thiết lập “hàng rào” đạt chuẩn về môi trường, đảm bảo an toàn cho cộng đồng sinh sống xung quanh các khu/cụm công nghiệp, dự án/nhà máy sản xuất.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý liên quan cần phải đánh giá kỹ lưỡng cũng như đưa ra một số kịch bản ứng phó nếu như trong quá trình vận hành nhà máy gặp sự cố. Đặc biệt là với các nhà máy sản xuất hóa chất, xi măng, nhà máy điện rác,... bởi nếu không cẩn thận, để xảy ra sự cố, tác hại về sức khỏe là rất khủng khiếp vì lượng khí độc dioxin, duram “khổng lồ” phát tán ra ngoài môi trường không chỉ nằm trong phạm vi 500m, mà còn xa hơn. Khi đó, nó sẽ là một formosa thứ hai, và nạn nhận của những ảnh hưởng là chính chúng ta và các thế hệ mai sau.
Đặc biệt, để kiểm soát vấn đề trên, yêu cầu vô cùng cấp thiết đối với các nhà máy là phải công khai minh bạch, liên tục về các số liệu quan trắc tự động, để người dân được biết và tham gia giám sát có trách nhiệm. Quan trọng hơn là để cơ quan quản lý kịp thời đưa ra biện pháp để phòng ngừa, đảm bảo an toàn về môi trường.
Đó cũng là “mệnh lệnh” từ cuộc sống, xu thế phát triển không thể đảo ngược để Việt Nam sớm hoàn thành các cam kết mạnh mẽ mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); qua đó hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng như nâng cao chất lượng môi trường sống cho mọi người dân.
Đáng mừng là sau khi loạt bài đăng phát trên Báo Điện tử VietnamPlus, nhiều địa phương đã vào cuộc kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp “rút ruột” tài nguyên, “phá” môi trường; nhiều lá đơn, tâm thư kêu cứu của người dân đã và đang được các cơ quan chức năng giải quyết! Đặc biệt, trong quá trình triển khai, với thông tin phóng viên cung cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ghi nhận, góp phần vào sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022)./.