Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Nhận thức rõ quy luật và xuất phát từ lịch sử của dân tộc, kinh nghiệm, luật pháp quốc tế, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là tầm nhìn chiến lược về an ninh-quốc phòng, kế sách giữ nước thời bình của Đảng, Nhà nước tạo môi trường thuận lợi xây dựng và phát triển đất nước.
Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, hiểu theo nghĩa hẹp là bảo vệ ngoài biên giới lãnh thổ; còn theo nghĩa rộng là bao gồm cả bảo vệ Tổ quốc từ bên ngoài lãnh thổ và bảo vệ, phòng ngừa từ trước, chủ động chuẩn bị các điều kiện để bảo vệ Tổ quốc ngay trong thời bình, lấy việc phòng ngừa từ sớm, chuẩn bị từ trước làm chủ yếu, theo phương châm không phải sử dụng chiến tranh.
Lo giữ nước từ lúc chưa nguy
Nhìn lại hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta luôn coi trọng việc bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng rất nhiều các biện pháp như: các hoạt động bang giao, hòa hiếu, hữu nghị với các nước láng giềng, tránh nạn binh đao; đồng thời, chăm lo xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, giữ vững vùng phên dậu quốc gia, thực hiện kế sách khoan thư sức dân...
Vua Lê Thái Tổ đã viết: "Biên phòng hảo vị trù phương lược. Xã tắc ung tu kế cửu an," nghĩa là Biên phòng cần có phương lược tốt. Đất nước phải có kế lâu dài. Lê Thái Tổ cũng căn dặn con cháu, muôn dân trăm họ phải tập trung "Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy."
Lịch sử cũng cho thấy, mỗi khi đất nước bị xâm lăng, toàn dân đều đồng lòng đứng lên bảo vệ Tổ quốc, đánh bại quân xâm lược, giữ vững núi sông, bờ cõi, độc lập, tự do.
[Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển]
Trong thời đại Hồ Chí Minh, kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa tiếp tục được kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới. Sinh thời, Bác Hồ khẳng định: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi" và căn dặn toàn dân, toàn quân ta: "Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"; "Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước".
Kế thừa những quan điểm, tư tưởng, bài học kinh nghiệm quý báu đó, Đảng và Nhà nước ta - trong đó Quân đội nhân dân làm nòng cốt đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ và đánh bại mọi hình thái chiến tranh xâm lược.
Ngày 22/12/1944, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập với 34 chiến sỹ do "Người anh cả" Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy.
Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau Ngày lập nước, Quân đội tiếp tục trở thành lực lượng chủ lực trong công cuộc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Đó là những thập niên hào hùng, gian khổ của hai cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc mà đỉnh cao là Chiến dịch Ðiện Biên Phủ lừng lẫy năm châu và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đó là cuộc chiến đấu chính nghĩa nơi phên dậu phía Tây Nam, nơi biên cương phía Bắc và nơi biển đảo phía Đông để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bước vào thời kỳ đất nước hội nhập, Đảng và Nhà nước đã xác định chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và kế sách bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa" được nghiên cứu, khái quát, cụ thể hóa.
Kế sách đó được triển khai thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực, phương diện của đất nước; trở thành tư tưởng chỉ đạo, hành động xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Đặc biệt trước bối cảnh của tình hình thế giới, khu vực và trong nước hiện nay, kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa đã mang tầm cao mới về phạm vi không gian và thời gian.
Đó là một không gian ba chiều của những hành động chủ động giữ nước. Không gian thuộc chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo và lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam ở trong nước và trên thế giới, lẫn không gian quản lý, điều hành của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, tổ chức, từng chủ thể của Tổ quốc; cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô trên mọi phương diện, yếu tố hợp thành Tổ quốc.
Về thời gian, tất cả các yếu tố, nội dung thuộc về không gian bảo vệ Tổ quốc đều được chủ động tiến hành từ sớm, từ trước, duy trì thường xuyên, liên tục trong thời bình.
Trong mọi yếu tố thuộc không gian chủ quyền, lợi ích quốc gia, quá trình xây dựng, củng cố, phát triển cũng là quá trình triển khai các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, tự bảo vệ từ trước.
Đi liền với các chiến lược xây dựng, phát triển của mỗi lĩnh vực, ngành, vùng, tổ chức, con người là các chiến lược bảo vệ, tự bảo vệ bên trong; phòng, chống, ngăn ngừa, triệt tiêu các nhân tố phá hoại, mất ổn định bên trong lẫn bên ngoài.
Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ
Chủ trương, kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa của Đảng và Nhà nước đã được Quân đội nhân dân Việt Nam vận dụng sáng tạo, linh hoạt. Nhiều năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã triển khai xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở từng khu vực và trên địa bàn cả nước; thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Đảng, Nhà nước, Quân đội tích cực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở mang tính lưỡng dụng đáp ứng kịp thời cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới.
Công tác phối hợp giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến đơn vị cơ sở. Các đơn vị Quân đội, Công an đã chủ động phối hợp để tham mưu với Đảng, Nhà nước giải quyết nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Cùng với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được xây dựng thông qua việc củng cố vững chắc hệ thống chính trị để làm hạt nhân lãnh đạo, quản lý, tập hợp và huy động sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp quốc phòng; xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được nâng cao. Nhân dân đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết và không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đáng chú ý, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng-an ninh tiếp tục khẳng định là kênh quan trọng đóng góp vào quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần trực tiếp xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam đã có quan hệ, hợp tác về quốc phòng, an ninh với các đối tác chủ chốt, phù hợp với các quan hệ song phương theo các khuôn khổ của đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác hợp tác toàn diện, tập trung vào những lĩnh vực phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm.
Hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh không ngừng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực quốc phòng, quân sự, kinh tế, khoa học và công nghệ, phát triển cả bề rộng và chiều sâu.
Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế; có 50 nước đặt tùy viên quân sự tại Việt Nam. Quân đội đã cử cán bộ, sỹ quan tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan và sắp tới tiếp tục cử thêm sỹ quan thực hiện nhiệm vụ này.
Bên cạnh hợp tác quốc phòng song phương, Việt Nam còn tham gia nhiều hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương của ASEAN và một số diễn đàn đa phương khác, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, Diễn đàn Hương Sơn...
Có thể thấy, bảo vệ Tổ quốc từ xa là kế sách lớn, là chiến lược giữ nước ngày nay. Việc quán triệt và thực hành tốt kế sách giữ nước trong thời bình là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương: "Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, nhất là những nhân tố có thể gây đột biến; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch"./.