Bảo vệ tầng ozone: Việt Nam mạnh tay loại trừ dần các chất được kiểm soát

Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn carbon thông qua hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát như các chất làm suy giảm tầng ozone trong sản xuất điều hòa không khí ôtô, thiết bị dập cháy...
Quản lý chặt các sản phẩm, thiết bị sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone trong sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ôtô, thiết bị dập cháy... (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Thống kê mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn carbon thông qua hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Đây là nỗ lực của Việt Nam sau 30 năm tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone.

Theo Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính, đến năm 2045, Việt Nam sẽ tiếp tục loại trừ 11,2 triệu tấn CO2tđ (các loại khí tạo ra hiệu ứng khí nhà kính không chỉ có khí carbon dioxide) từ hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát.

Quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam

Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết năm 2024 đánh dấu mốc 30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Ngay sau khi tham gia công ước và nghị định thư năm 1994, Việt Nam đã ban hành Chương trình quốc gia loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozone (năm 1995) và thành lập Văn phòng Chương trình quốc gia để điều phối, triển khai các hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát từ năm 1996.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hành động trách nhiệm, từ năm 1994 đến nay, Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn carbon thông qua hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát như CFC, Halon (hóa chất của bình chữa cháy); chất HCFC (chất làm suy giảm tầng ozone trong sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ôtô, thiết bị dập cháy) và HFC (các chất hydrofluorocarbon)...

Trong đó, Việt Nam đã hoàn thành loại trừ tiêu thụ hoàn toàn các chất CFC, Halon; chất Methyl bromide được quản lý, chỉ nhập khẩu cho mục đích khử trùng và kiểm dịch hàng hóa; chất HCFC được quản lý, loại trừ theo lộ trình từ năm 2013, tiến tới loại trừ hoàn toàn các chất này từ ngày 1/1/2040.

Trong năm 2019, Việt Nam phê duyệt tham gia Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal nhằm mục tiêu không tăng lượng tiêu thụ các chất HFC theo lộ trình từ năm 2024, tiến tới giảm 80% lượng tiêu thụ từ năm 2045. Nếu thực thi đồng bộ trên toàn cầu, Bản sửa đổi bổ sung sẽ giúp giữ cho nhiệt độ trái đất không gia tăng 0,5 độ C vào cuối thế kỷ này và sẽ đạt hiệu quả gấp đôi nếu kết hợp cùng với các giải pháp về tiết kiệm năng lượng.

Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã tham gia Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc khởi xướng, Sáng kiến về quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon do Nhật Bản khởi xướng và tham gia Cam kết làm mát toàn cầu để cùng cộng đồng quốc tế,… nhằm giảm phát thải toàn cầu từ các hoạt động làm mát trong tất cả các lĩnh vực đạt ít nhất 68% vào năm 2050 so với năm 2022.

"Quốc tế đánh giá Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm cao; nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát," ông Quang nhấn mạnh.

Gần đây, triển khai Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát tại Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 11/6/2024. Kế hoạch tích hợp toàn diện các yêu cầu quản lý mới để triển khai thực hiện đồng bộ các cam kết quốc tế, sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ozone và làm mát mà Việt Nam đã tham gia.

Các mục tiêu cụ thể thực hiện Kế hoạch đến năm 2045 bao gồm: Quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát; quản lý sản phẩm, thiết bị sử dụng các chất HCFC và HFC theo giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu; quản lý vòng đời các chất được kiểm soát và làm mát bền vững.

Chuyển đổi công nghệ bảo vệ tầng ozone. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Để thực hiện kế hoạch trên, tính đến cuối tháng 11/2024, đã có 285 tổ chức (thuộc diện đối tượng phải đăng ký và báo cáo sử dụng chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát) hoàn tất thủ tục đăng ký sử dụng các chất được kiểm soát trên Cổng dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ nộp báo cáo tình hình sử dụng trước ngày 15/1 hàng năm đồng thời doanh nghiệp cũng được hướng dẫn tra cứu mã số hồ sơ và khai báo hồ sơ xuất nhập khẩu các chất và thiết bị, sản phẩm có chứa chất được kiểm soát.

Đến năm 2045, loại trừ 11,2 triệu tấn CO2tđ

Đề cập thêm về lộ trình loại trừ chất được kiểm soát trong thời gian tới, bà Nguyễn Đặng Thu Cúc, đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết thực hiện đúng lộ trình, Việt Nam đã quản lý loại trừ HCFC; và bắt đầu thực hiện đối với HFC từ năm 2024. Theo đó, các cơ sở sản xuất thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sử dụng chất được kiểm soát phải xây dựng lộ trình phù hợp để thay thế, loại bỏ chất được kiểm soát.

Cùng với đó, cơ sở sử dụng thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sử dụng chất được kiểm soát phải thực hiện quy định về thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và tiêu hủy theo quy định. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng chất được kiểm soát thực hiện việc chuyển đổi công nghệ bảo vệ tầng ozone được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định.

Theo Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát, đến năm 2045, Việt Nam sẽ loại trừ 11,2 triệu tấn CO2tđ từ hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát. Kế hoạch cũng đề ra lộ trình tương ứng với các mục tiêu cụ thể, nhằm đảm bảo loại trừ dần các chất mà vẫn duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các ngành nghề liên quan.

Trong đó, Việt Nam sẽ thực hiện tốt cam kết không sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ các chất; sản phẩm, thiết bị từ chất cấm; thực hiện tốt lộ trình quản lý, loại trừ các chất HCFC nhằm không nhập khẩu và xuất khẩu từ năm 2040. Cùng với đó, Việt Nam sẽ tăng cường thúc đẩy chuyển đổi công nghệ tiết kiệm năng lượng sử dụng các chất thay thế nhằm giảm dần lượng tiêu thụ các chất HFC, góp phần giảm đến 80% lượng tiêu thụ vào năm 2045; chỉ nhập khẩu, sử dụng chất Methyl bromide cho mục đích khử trùng và kiểm dịch hàng xuất khẩu.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí (Đại học Bách Khoa Hà Nội), hiện nay đã có nhiều công nghệ thay thế sử dụng các môi chất lạnh thân thiện với môi trường. Do vậy thời gian tới cần tăng cường công tác tái đào tạo các cán bộ kỹ thuật trong thực hành tốt kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí, đặc biệt là giảm tỷ lệ rò rỉ môi chất lạnh ra môi trường.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng khuyến nghị xây dựng kế hoạch chi tiêt về kiểm soát, loại trừ môi chất lạnh theo từng lĩnh vực theo tiếp cận vòng đời, ngưỡng chỉ số gây nóng lên toàn cầu; đặc biệt là thúc đẩy thị trường trao đổi tín chỉ các bon trong lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí, song hành với việc hoàn thiện phương pháp (tiêu chuẩn, quy chuẩn…) tính lượng phát thải khí nhà kính theo vòng đời thiết bị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục