Bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái trong xã hội đương đại

Nghệ thuật xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng các giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái.
Người dân tộc Thái trắng trong bộ trang phục truyền thống thực hiện vòng xòe. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)
Người dân tộc Thái trắng trong bộ trang phục truyền thống thực hiện vòng xòe. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

"Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái trong xã hội đương đại" là chủ đề hội thảo khoa học quốc tế, diễn ra ngày 4/10, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Hơn 100 học giả quốc tế và chuyên gia, nhà nghiên cứu, Hội đồng di sản quốc gia và đại diện cộng đồng - những người trực tiếp thực hành nghệ thuật xòe Thái, đã tham dự hội thảo.

Đây là sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La tổ chức, tạo diễn đàn để các nhà khoa học trong nước, quốc tế, đại diện cộng đồng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các vấn đề bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung, di sản múa dân gian và nghệ thuật xòe Thái nói riêng trong xã hội đương đại.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, nói đến người Thái là ai cũng nghĩ đến các biểu đạt văn hóa mang tính cộng đồng cao như xòe, cũng như nói đến xòe người ta biết đến là di sản của người Thái ở Tây Bắc.

Xòe mang tính biểu tượng thể hiện nhân sinh quan, vũ trụ quan, tâm tư, tình cảm của người Thái, có ý nghĩa với đời sống tinh thần của người Thái ngày nay.

Nghệ thuật xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng các giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái.

Ngày nay, nghệ thuật xòe Thái đã trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách, dấu ấn văn hóa tộc người, bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam...

Nghệ thuật xòe Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia.

Chính phủ đã đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc  (UNESCO) xét duyệt vào danh sách văn hóa phi vật thể của nhân loại.

[Trình UNESCO hồ sơ xòe Thái và nghệ thuật làm gốm của người Chăm]

Trong đó, tỉnh Yên Bái là trưởng nhóm cùng Điện Biên, Lai Châu, Sơn La cùng tham gia xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO.

Phó Giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ: Xòe Thái là loại hình múa dân gian, mang dấu ấn văn hóa, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La ở vùng Tây Bắc Việt Nam.

Nghệ thuật xòe Thái cũng là tài sản, sợi dây gắn kết cộng đồng, cốt lõi bản sắc dân tộc và là cơ sở để sáng tạo các giá trị văn hóa mới trong đời sống đương đại.

Việc ghi danh nghệ thuật xòe Thái vào danh mục di sản quốc gia cũng góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ di sản nói chung, di sản múa dân gian và nghệ thuật xòe Thái nói riêng.

Tại hội thảo này, các đại biểu tập trung làm rõ 3 nội dung: Lý thuyết, phương pháp nghiên cứu di sản múa dân gian các cộng đồng dân tộc và xòe Thái dưới góc độ liên ngành; nhận diện, giá trị, ý nghĩa của nghệ thuật xòe Thái trong sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc Việt Nam; những vấn đề quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong đó có xòe Thái.

Vùng Mường Lò ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, nơi sinh sống của đồng bào Thái được xem là ngọn nguồn của những vòng xòe Yên Bái.

Người Thái nơi đây đã thực hành xòe như là hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đời sống tinh thần.

Nghệ thuật xòe Thái vẫn đang được duy trì và phát triển, không chỉ trong các nghi lễ mà còn trong sinh hoạt cộng đồng, các cuộc thi, sự kiện…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục