Bảo vệ người tiêu dùng: Hướng tới tư vấn, hỗ trợ 90% khiếu nại

Theo chương trình phát triển hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2021-2025 hướng tới bảo đảm 90% các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng được tư vấn, hỗ trợ tại các cơ quan quản lý Nhà nước.
Người dân mua hàng trong siêu thị. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Liên quan tới vấn đề nâng cao bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Công Thương được giao vai trò là cơ quan đầu mối; trong đó, nhấn mạnh vào việc phát triển hệ thống tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương, chương trình hướng đến xây dựng, nâng cấp, phát triển, hoàn thiện và kết nối các hệ thống tư vấn; hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, chương trình hướng tới bảo đảm 90% các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng được tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ tại các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tại các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trong đó, tỷ lệ giải quyết khiếu nại thành công đạt trên 80% vụ việc được tiếp nhận.

Chương trình cũng đề ra mục tiêu tổ chức được ít nhất 500 khóa đào tạo, lớp tập huấn ngắn, trung và dài hạn trong và ngoài nước cho các cán bộ, công chức, người lao động làm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, bảo đảm tối thiểu 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập được hội bảo vệ người tiêu dùng cấp tỉnh; tối thiểu 40 tỉnh, thành phố phát triển được mạng lưới tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới địa bàn quận, huyện. Đồng thời, hình thành hệ thống tổ chức hòa giải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên toàn quốc theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết mặc dù việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được đẩy mạnh theo hướng xã hội hóa nhưng kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế.

[Việt Nam điều hành phiên họp của UNCTAD về bảo vệ người tiêu dùng]

Thống kê cho thấy, năm 2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận hơn 14.000 phản ánh, khiếu nại, yêu cầu tư vấn từ người tiêu dùng; trong đó, chủ yếu tăng mạnh thông qua Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, số lượng vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng ngày càng có xu hướng gia tăng. Thực hiện chức năng nhiệm vụ, Cục đã tiến hành giải quyết hầu hết các yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng, cơ bản giải quyết thông qua phương thức thương lượng, hòa giải.

Cụ thể, năm 2020, số cuộc gọi được tổng đài viên trả lời, tư vấn là 9.965 cuộc. Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu tư vấn, hỗ trợ của người tiêu dùng đạt 89%. Số còn lại chưa được hỗ trợ, tư vấn nguyên nhân là do số lượng tổng đài viên còn hạn chế.

Đáng chú ý, các khiếu nại, kiến nghị của người tiêu dùng trải rộng trong nhiều lĩnh vực; trong đó, chủ yếu là lĩnh vực như nhà chung cư, bất động sản, bảo hiểm, tiêu dùng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tư vấn, hỗ trợ ngày càng cao của người tiêu dùng, năm 2020, thực hiện Đề án xây dựng hệ thống tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại Bộ Công Thương, Cục đã bàn giao máy tính, điện thoại và các trang thiết bị cần thiết tới 15 đơn vị trên cả nước gồm Sở Công Thương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đồng thời, kết nối với hệ thống Tổng đài đặt tại Bộ Công Thương, phục vụ việc mở rộng, tăng cường khả năng tiếp nhận phản ánh, yêu cầu tư vấn, hỗ trợ của người tiêu dùng cũng như tạo điều kiện thuận lợi để chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Trung ương và địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục