Bảo vệ môi trường: Phát triển "bọt biển hút CO2" từ đá vôi

Nhà đồng sáng lập, kiêm CEO Heirloom Carbon - ông Shashank Samala đánh giá việc thu giữ CO2 trong khí quyển sẽ là "cỗ máy thời gian" giúp đưa nhân loại có được bầu không khí sạch hơn.
Đá vôi.(Ảnh minh họa: AFP)

Nếu nhân loại muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu, theo giới chuyên gia, việc loại bỏ CO2 khỏi không khí là điều bắt buộc. Một công ty khởi nghiệp ở California khẳng định rằng họ có thể làm được điều đó bằng cách "biến" đá vôi thành tấm "bọt biển hút CO2."

Có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ), Heirloom Carbon là một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ thu giữ CO2 còn non trẻ này. Heirloom Carbon thậm chí đang bắt tay với Tập đoàn Microsoft để giúp nhà sản xuất hệ điều hành Windows đạt được tham vọng không thải carbon.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng những phương thức đổi mới tương tự nhằm theo đuổi các mục tiêu về khí hậu đã đề ra, giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và theo đó kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu đang tàn phá toàn cầu.

Nhà đồng sáng lập, kiêm Giám đốc Điều hành (CEO) Heirloom Carbon - ông Shashank Samala đánh giá việc thu giữ CO2 trong khí quyển sẽ là "cỗ máy thời gian" giúp đưa nhân loại có được bầu không khí sạch hơn.

Ông nhấn mạnh: “Nếu bạn thực sự muốn đảo ngược tình trạng biến đổi khí hậu và quay trở lại thời kỳ như trước đây, thì việc loại bỏ carbon là con đường gần nhất có thể giúp chúng ta thực sự lọc lượng khí thải khỏi bầu không khí.”

Thu giữ CO2 sẽ là chủ đề thảo luận trọng tâm tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về Biến đổi Khí hậu (COP28), diễn ra tại Dubai (Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất - UAE) từ ngày 30/11 đến ngày 12/12 tới.

Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) - cơ quan chủ trì các cuộc họp COP - coi việc triển khai các hệ thống thu hồi và lưu trữ carbon là điều buộc phải làm, nếu nhân loại muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp.

Công ty Heirloom Carbon đặt mục tiêu loại bỏ khỏi bầu khí quyển 1 tỷ tấn CO2/năm vào năm 2035, song song với việc kêu gọi hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Điều này sẽ giúp thế giới cắt giảm khoảng 10-20 tỷ tấn carbon - loại khí thải mà Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ cho rằng phải loại bỏ hằng năm từ nay đến cuối thế kỷ này.

Người đồng sáng lập Heirloom Carbon, đồng thời là người đứng đầu nghiên cứu về tấm bọt biển có thể "hút" CO2, ông Noah McQueen cho biết: “Công ty Heirloom sử dụng đá vôi, một loại khoáng chất tự nhiên, và chúng tôi mang lại cho nguyên liệu này siêu năng lực, biến nó thành một miếng bọt biển có thể hút CO2 từ khí quyển. Sau đó, chúng tôi 'vắt' miếng bọt biển đó để lấy CO2 và lưu trữ vĩnh viễn lượng CO2 này trong lòng đất.”

Ông Samala chia sẻ rằng ông nhớ rất rõ những cơn lốc xoáy, hạn hán và những đợt nắng nóng khủng khiếp mà ông trải qua trong thời thơ ấu ở Ấn Độ. Ông kể lại: “Tôi nhớ là mẹ tôi đã quấn một chiếc khăn ướt lên một chiếc quạt và dùng nó làm máy điều hòa không khí cho chúng tôi. Biến đổi khí hậu có tác động không tương đồng, trong đó những người dễ bị tổn thương luôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả."

Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật tại Mỹ, ông Samala làm việc cho công ty công nghệ tài chính Square trong một thời gian ngắn, rồi tự thành lập một công ty điện tử. Tuy nhiên, trong tiềm thức của ông, "những hồi chuông cảnh tỉnh về khí hậu vẫn luôn ở đó."

[Hội nghị COP28 - Hội nghị quan trọng nhất của LHQ trong 8 năm]

Các vụ cháy rừng xảy ra hằng năm ở California và những rạn san hô dần biến mất đã thúc đẩy ông phải thay đổi nghề nghiệp. Sau khi nghiên cứu báo cáo của IPCC năm 2018, ông Samala đã quyết định dấn thân vào công nghệ thu giữ carbon - một lĩnh vực rất cần sự đổi mới và đầu tư.

Các kỹ thuật thu khí trực tiếp (DAC), chẳng hạn như các kỹ thuật do công ty Heirloom Carbon và Climeworks - công ty tiên phong của Thụy Sĩ trong lĩnh vực này - phát triển, khác với các hệ thống thu giữ carbon tại nguồn (CCS), chẳng hạn như ống khói của nhà máy.

Công ty Heirloom Carbon chọn đá vôi do nguyên liệu này sẵn có trong tự nhiên với số lượng lớn và không thiếu địa điểm để lưu trữ.

Ông Will Knapp - người đồng sáng lập công ty khởi nghiệp CCS Cocoon - tin rằng việc thu giữ CO2 trực tiếp từ những nguồn thải khí, chẳng hạn như các nhà máy hoặc nhà máy thép, sẽ dễ dàng hơn nhiều so với từ bầu khí quyển chung. Theo ông Knapp, các lò sản xuất kim loại có thể tạo ra nồng độ CO2 từ 10-30%, trong khi nồng độ CO2 trong không khí mà con người hít thở chỉ ở mức 0,4%.

Ông cho rằng việc nắm bắt CO2 từ bầu không khí chung sẽ "giống như mò kim đáy bể." Ông nêu rõ: “Không có viên đạn bạc nào để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng chúng ta không cần phép màu, chúng ta chỉ cần những viên đạn”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục