Ngày 17/12, Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về “Tăng cường bảo vệ người lao động di cư thông qua cơ chế hỗ trợ pháp- lý: Chia sẻ kinh nghiệm khu vực và thực tiễn Việt Nam”.
Đây là hoạt động nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế di cư 18/12.
Theo số liệu công bố tại hội thảo, Việt Nam hiện có hơn 500.000 người lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lao động Việt Nam tập trung vào các ngành, nghề như: chế tạo sản xuất, xây dựng, dệt may, giúp việc gia đình... Đa số những người lao động này đang làm việc ổn định, quyền lợi được đảm bảo theo hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn tình trạng người lao động khi di cư phải đối mặt với những khó khăn trong sinh hoạt và làm việc hàng ngày. Thậm chí, một số trường hợp đã bị lạm dụng về thể chất, tình dục, bị giữ lương và bị bóc lột sức lao động.
Điều quan trọng là, theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), những người lao động khi di cư còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với một hệ thống trợ giúp pháp lý. Vì vậy, việc thảo luận để tìm ra các giải pháp hỗ trợ những người lao động này là rất cần thiết.
Tại hội thảo, kế hoạch hành động và các khuyến nghị của Diễn đàn lao động di cư ASEAN lần thứ 6 tại Brunei đã được đưa ra thảo luận nhằm chia sẻ kinh nghiệm cũng như các biện pháp thúc đẩy việc hỗ trợ pháp lý, tìm tiếng nói chung trong việc bảo vệ quyền lợi của nhóm lao động di cư...
Ông Florian G.Forster Trưởng phái đoàn IOM nhấn mạnh, Việt Nam đã tham gia Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của con người, trong đó khẳng định việc đảm bảo quyền tiếp cận tới một hệ thống hỗ trợ pháp lý, tư pháp hiệu quả của người lao động di cư. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung trao đổi về cơ chế khiếu nại, giải quyết khiếu nại hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của lao động khi đi làm việc ở nước ngoài.
Về phía Việt Nam, ông Đào Công Hải cũng cho rằng, sáng kiến của khu vực ASEAN về việc thúc đẩy bảo vệ quyền của người di cư có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển xuất khẩu lao động của Việt Nam. Nó sẽ giúp những người lao động di cư có những đảm bảo về mặt pháp lý vững chắc tại các nước đang làm việc./.