Hai mươi năm sau ngày Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (17/12/1994 - 17/12/2014), chính quyền và người dân Quảng Ninh luôn ra sức bảo vệ di sản này được nguyên vẹn, bởi ai cũng biết đây là nguồn vốn quý phục vụ lợi ích cộng đồng xã hội lâu dài và bền vững.
Những giá trị có một không hai của di sản
Vịnh Hạ Long hai lần được công nhận là di sản thế giới (vào các năm 1994 và 2000) và được bầu chọn là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới (2012), nơi đây có những giá trị đặc biệt về thẩm mỹ với những dãy núi và hang động đá có cách đây hàng triệu năm và đặc biệt là có một hệ sinh học đa dạng, là một nguồn tài nguyên quan trọng cần được giữ gìn, bảo tồn để duy trì cân bằng sinh thái.
Các nhà khoa học đã thống kê được trên các đảo ở Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Cát Bà có hơn 500 loài thực vật bậc cao và 50% trong số loài thực vật này có giá trị làm thuốc chữa bệnh; có 66 loài động vật thuộc loài lưỡng cư và bò sát, 77 loài chim và 22 loài thú.
Đối với hệ sinh thái biển và ven bờ, các nhà khoa học đã thống kê được tại Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Cát Bà có hơn 570 loài động vật đáy, hơn 400 loài sinh vật phù du, khoảng 180 loài san hô, trên 150 loài cá, gần 150 loại loài rong, cỏ biển và 19 loài thực vật ngập mặn.
Tuy nhiên, do quá trình tác động của sự phát triển kinh tế-xã hội đã ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học, môi trường vịnh. Chính vì vậy, công tác bảo tồn và phát triển bền vững giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là rất cần thiết.
Bảo tồn và phát triển
Trong gần 20 năm từ khi được công nhận di sản thế giới đến nay, Vịnh Hạ Long đã đón gần 25 triệu lượt khách du lịch, đã trở thành một nhân tố quan trọng trong lĩnh vực phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh.
Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Dù Vịnh Hạ Long đang được đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch, song theo quan điểm của tỉnh Quảng Ninh, phát triển du lịch trên Vịnh Hạ Long là để làm công tác bảo tồn; phát triển nhưng không phá vỡ bảo tồn, phát triển lấy nguồn lực để bảo tồn.
Một loạt các hoạt động như chuyển tải clinker, ximăng và các loại hàng hoá rời (dăm gỗ, đá các loại…) trên Vịnh bị nghiêm cấm; đồng thời tỉnh cho di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bóc rót than ra vùng lõi Vịnh; hạn chế tối đa việc phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức lấn biển...
Quảng Ninh vừa hoàn thành việc di dời hàng trăm hộ dân cư đang sinh sống dưới Vịnh lên bờ định cư, kết hợp với tổ chức, sắp xếp lại các làng chài truyền thống ở trên Vịnh Hạ Long vừa đảm bảo mỹ quan, vệ sinh, an toàn góp phần phục vụ du lịch tích cực.
Tỉnh thường xuyên phối hợp với Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường quan trắc, đánh giá chất lượng nước biển ven bờ Vịnh Hạ Long; kế hoạch khảo sát, đánh giá hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn và bãi triều không có rừng ngập mặn khu vực Vịnh; thiết lập hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải trên Vịnh Hạ Long về bờ xử lý sử dụng nhiên liệu sinh học và xây dựng mô hình giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Quảng Ninh chủ động phối hợp, liên kết với các cơ quan bảo tồn thiên nhiên thế giới, các Viện nghiên cứu đầu ngành, trường đại học, các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm triển khai nghiên cứu khoa học, từng bước làm rõ và bổ sung đầy đủ những giá trị di sản về đa dạng sinh học, về văn hoá - lịch sử và địa chất - địa mạo.
Đến nay, nhiều đề tài, chuyên đề nghiên cứu khoa học về Vịnh Hạ Long như: “Khảo sát, điều tra đánh giá thực vật tự nhiên ở Vịnh Hạ Long”; “Nghiên cứu các giá trị đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long phục vụ cho việc quản lý, phát huy giá trị đa dạng sinh học của di sản”... Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng khoa học công nghệ được áp dụng vào công tác quản lý, bảo vệ di sản như: Công nghệ định vị toàn cầu; hệ thống wimax, camera giám sát; hệ thống thông tin địa lý, thử nghiệm thiết bị lọc tách dầu thải tại các tàu du lịch nhằm bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực di sản.
Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh
Mới đây, giữa tháng 8/2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt “Quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trong đó chú trọng công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long gắn với nâng cao, chuyển biến nhận thức của cộng đồng dân cư có tác động đến khu vực Vịnh Hạ Long; đồng thời áp dụng các quy chuẩn về môi trường của Việt Nam và các nước phát triển trên thế giới nhằm bảo tồn, phát huy, nâng cao giá trị của Vịnh Hạ Long đảm bảo phát triển bền vững.
Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu đến năm 2020, Vịnh Hạ Long và thành phố Hạ Long sẽ là một khu vực trung tâm, không chỉ về phát triển kinh tế mà còn là một đơn vị dẫn đầu về bảo vệ môi trường và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh.
Trong tầm nhìn đến năm 2030, Vịnh Hạ Long cùng với thành phố Hạ Long sẽ trở thành biểu tượng về một trung tâm “Tăng trưởng xanh” cấp ASEAN; Vịnh Hạ Long phấn đấu đi đầu về công tác quản lý tài nguyên và môi trường bền vững.
Bà Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long Phạm Thùy Dương nhấn mạnh thiên nhiên ban tặng cho Hạ Long những giá trị vô cùng quý giá, việc bảo vệ các giá trị của di sản sẽ góp phần quan trọng làm nền tảng cho việc khai thác và phát huy bền vững các giá trị đặc biệt, nổi bật toàn cầu của di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.